Liệu có chiều hướng ''Trung hóa'' lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ tại Anh?

Các đại gia của Trung Quốc và Hong Kong gần như hiện diện trong hợp đồng mua bán của tất cả các lĩnh vực tại Anh, từ những tòa nhà chọc trời đến nhà máy điện hạt nhân Hinkley, các trường tư...
Cựu Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhau thưởng thức những cốc bia Greene King IPA. (Nguồn: AP)

Theo The Guardian, bốn năm trước, vào một ngày cuối tháng 10, quán rượu The Plough ở London đã chứng kiến cuộc gặp nổi tiếng giữa cựu Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau thưởng thức những cốc bia Greene King IPA để đánh dấu thời kỳ “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ hai nước.

Vào thời điểm đó, tên tuổi của The Plough cùng món bia có tên gọi Greene King IPA đã “nổi như cồn” trên khắp thế giới. Kết quả là một năm sau cuộc gặp lịch sử, The Plough đã được công ty đầu tư của Trung Quốc SinoFortone mua lại với giá 2 triệu bảng Anh trong khi bia Greene King IPA được gia tộc của tỷ phú giàu có nhất Hong Kong Li Ka-shing thu mua toàn bộ từ 2.700 quán rượu, nhà hàng và khách sạn với mức giá 2,7 tỷ USD.

Có thể nói, cuộc gặp mặt từ bốn năm trước là “cơ hội vàng” để The Plough và bia Greene King IPA “vươn mình” ra thế giới. Tuy nhiên, thương vụ này chỉ là một phần rất nhỏ của làn sóng tiền mặt chảy ồ ạt vào lãnh thổ Anh trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi sự “tuột dốc không phanh” giá trị đồng bảng Anh.

[Quan hệ giữa Anh và Trung Quốc có dấu hiệu căng thẳng]

Xuất phát điểm của những dòng vốn đầu tư vào Anh phần lớn đến từ Trung Quốc và Hong Kong. Các đại gia của hai nền kinh tế này gần như hiện diện trong hợp đồng mua bán của tất cả các lĩnh vực tại Anh, từ những ngôi nhà sang trọng, những tòa nhà chọc trời như Walkie Talkie hay Cheesegrater ở London, đến nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C, các trường tư và thậm chí cả hãng thực phẩm Pizza Express.

Chưa dừng lại ở đó, giới siêu giàu Trung Quốc cũng đang là đối tượng sở hữu hoặc chiếm phần lớn cổ phần tại các câu lạc bộ bóng đá Anh ở Southampton, Wolverhampton Wanderers, West Bromwich Albion và Reading.

Sân golf Wentworth nổi tiếng hiện đang thuộc sở hữu của tỷ phú người Thái gốc Trung Quốc Chanchai Ruayrungruang - một trong những người đàn ông giàu có nhất châu Á với khối tài sản trị giá 11 tỷ USD (9 tỷ bảng Anh), còn Wang Jianlin, người đàn ông giàu có nhất của Trung Quốc, cũng là chủ sở hữu của hãng sản xuất du thuyền sang trọng Sunseeker.

Trong năm 2019, các công ty Trung Quốc đã thực hiện tổng cộng 15 thương vụ mua bán lớn ở Anh với tổng số tiền lên đến 6,75 tỷ bảng Anh (tương đương 8,3 tỷ USD), so với mức 6 tỷ USD của 23 giao dịch trong năm ngoái.

Angus Knowles-Cutler, Phó Chủ tịch hãng kiểm toán hàng đầu thế giới Deloitte và là Giám đốc Tập đoàn tài chính ChinaService, cho biết ông dự báo trong thời gian tới, người dân Trung Quốc sẽ mạnh tay hơn trong việc mua bán bất động sản và các doanh nghiệp của Anh, bất kể kịch bản Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), sắp tới có diễn biến ra sao.

Phó Chủ tịch Knowles-Cutler, người thường xuyên đến thăm Trung Quốc, nhận định: “Họ đầu tư vào Anh nhiều hơn so với bất kỳ nơi nào khác và tôi nghĩ rằng những khoản đầu tư này sẽ tiếp tục tăng lên bởi mức giá ở Anh hiện giờ đang được coi là rất rẻ.”

Khi nghĩ đến Vương quốc Anh, người ta sẽ tò mò về cách thức mà một quốc đảo này có thể đạt được những thành tựu như giải Nhì giải thưởng Nobel và Á quân Thế vận hội năm 2016, với 27 huy chương vàng, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc với lần lượt 46 và 26 huy chương vàng.

Theo ông Knowles-Cutler, các mặt hàng quan trọng nằm trong danh sách mua sắm của người Trung Quốc gồm có giáo dục, sở hữu trí tuệ và các mặt hàng thương hiệu. Những sản phẩm này có thể được đưa về Trung Quốc và bán cho tầng lớp trung lưu đang bùng nổ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hiện có 109 triệu người trung lưu ở Trung Quốc so với con số 92 triệu ở Mỹ, theo báo cáo của ngân hàng Credit Suisse.

Trong khi đó, các nhà thầu và vận hành đường sắt thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc cũng tham dự vào quá trình xây dựng tuyến đường sắt cao tốc quan trọng High Speed 2, có giá trị lên đến 55,7 tỷ bảng ở Vương quốc Anh.

Phó Chủ tịch Knowles-Cutler cho biết ông hy vọng các công ty công nghệ của Anh sẽ là “đích nhắm” của vốn đầu tư Trung Quốc khi Bắc Kinh tập trung vào kế hoạch tầm nhìn "Made in China 2025" và từng bước từ bỏ vị trí công xưởng thế giới để thiết kế và sản xuất nhiều sản phẩm giá trị cao hơn của riêng mình.

Những sản phẩm đó sẽ nằm trong lĩnh vực ô tô điện và công nghệ xanh. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng được cho là rất quan tâm đến công nghệ tái chế và robot thế hệ tiếp theo. Theo chuyên gia Knowles-Cutler, mọi người thường có xu hướng nhìn vào Mỹ để tìm ra những mô hình kinh doanh trong tương lai. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ là tương lai của nền kinh tế kỹ thuật số.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đang được dồn vào lĩnh vực giáo dục của Anh khi các trường tư thục của quốc đảo này lần lượt thuộc sở hữu của người Trung Quốc. Mùa Hè năm 2019, tập đoàn giáo dục quốc tế và song ngữ lớn nhất của Trung Quốc Bright Scholar Education Holdings đã mua lại trường CATS College thuộc Cambridge Education Group (CEG) - tập đoàn giáo dục hàng đầu Vương quốc Anh - với giá 150 triệu bảng.

Theo thông tin từ Bright Scholar Education Holdings, động thái này là một phần trong mục tiêu xây dựng "mạng lưới các trường học cao cấp toàn cầu" của tập đoàn.

Ed Ratcliffe, người đứng đầu trung tâm tài chính Asia House đồng thời là chuyên gia tư vấn cho các công ty Trung Quốc về đầu tư tại Anh, cho biết: “Nhiều người ở Trung Quốc muốn “tiêu tiền” và Vương quốc Anh được coi là điểm đến hấp dẫn nhất với lợi thế hệ thống pháp luật chặt chẽ, đi cùng với các quy định về bảo vệ nhà đầu tư”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục