Liệu các trận lốc xoáy kinh hoàng ở Mỹ có liên quan biến đổi khí hậu?

Nhà khoa học về khí quyển tại Đại học Illinois, Jeff Trapp, cho biết những năm gần đây “điều chúng ta thường thấy là những ngày ấm áp hơn trong mùa lạnh, chính điều này tạo giông bão và lốc xoáy.”
Hiện trường đổ nát do lốc xoáy và bão lớn càn quét tại bang Kentucky, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phải chăng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra các trận lốc xoáy kinh hoàng làm hơn 100 người thiệt mạng gần đây ở 5 bang của Mỹ? Đó là câu hỏi mà giới khoa học chưa tìm ra câu trả lời chính xác.

Đúng là nhiệt độ tăng cao có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bão lớn, nhưng hiện tại các nhà khoa học vẫn đang thận trọng về khả năng tồn tại mối liên hệ trực tiếp giữa biến đổi khí hậu với các trận thiên tai nói trên.

Trong khi nhiều nghiên cứu khẳng định hàng loạt sự kiện thời tiết cực đoan gần đây có liên hệ với sự nóng lên toàn cầu - từ những đợt nắng nóng mùa Hè vừa qua tại Bắc Mỹ đến những trận lụt tại Tây Âu - nhưng vẫn còn một khoảng trống lớn trong sự hiểu biết khoa học về việc chúng có liên quan như thế nào đến khí hậu.

Chuyên gia khí hậu tại Đại học Central Michigan, ông John Allen cho biết: “Ít nhất trong vài thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến một xu hướng của các điều kiện thuận lợi hơn,” đặc biệt vào mùa Đông ở miền Trung Tây và Đông Nam nước Mỹ. Nhưng “vẫn chưa rõ hiện hượng này có liên quan đến biến đổi khí hậu hay không.”

Về phần mình, Giáo sư khí tượng học tại Đại học bang Florida, ông James Elsner, cho biết sương mù trên đường có liên quan đến số vụ tai nạn giao thông gia tăng, nhưng không phải lúc nào các vụ việc xảy ra trong điều kiện sương mù dày đặc cũng là do tầm nhìn kém. 

[Mỹ chạy đua với thời gian tìm kiếm người mất tích sau bão và lốc xoáy]

Hiện còn quá sớm để khẳng định chắc chắn rằng biến đổi khí hậu sẽ làm tăng tần suất các vụ lốc xoáy vào mùa Đông. Báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) nhấn mạnh rằng chưa có bằng chứng thuyết phục về mối liên quan giữa sự nóng lên toàn cầu với hiện tượng ở quy mô nhỏ như lốc xoáy.

Theo thống kê, số vụ lốc xoáy trung bình mỗi năm tại Mỹ không tăng trong những năm gần đây, khoảng 1.300 vụ, và đa số xảy ra vào mùa Xuân.

Nhà khoa học về khí quyển tại Đại học Illinois, Jeff Trapp cho biết: “Trong 30-40 năm trở lại đây, hầu hết các tháng trong năm, số vụ lốc xoáy và số ngày một trận lốc kéo dài đều giảm.” Riêng các tháng từ 12 đến tháng Một năm sau, hoạt động lốc xoáy gia tăng. Ông cho rằng ít nhất hiện tượng này có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Lốc xoáy hình thành từ các trận giông bão, khi nhiệt độ ấm hơn, không khí ẩm hơn tiếp xúc với không khí lạnh hơn di chuyển xuống dưới kèm theo mưa. Điều này tạo ra các dòng khí quay tròn bắt đầu từ đường chân trời và có thể dâng cao lên theo chiều thẳng đứng.

Ông Trapp cho biết những năm gần đây “điều chúng ta thường thấy là những ngày ấm áp hơn trong mùa lạnh, chính điều này tạo giông bão và lốc xoáy.”

Các nhà khoa học cũng ghi nhận sự chuyển dịch về phía Đông của cái gọi là “Cơn lốc Alley,” với nhiều trận bão hơn sẽ tấn công vào các bang Arkansas, Mississippi hoặc Tennessee. Cả ba bang này đều bị ảnh hưởng trong các trận lốc cuối tuần qua.

Vấn đề mà các nhà khoa học nhận thấy khi nghiên cứu lốc xoáy là chúng rất khó phát hiện trên các mô hình khí hậu, không giống như các trận bão nhiệt đới hoặc các đợt nóng. Vì vậy, họ chỉ có thể nghiên cứu sự thay đổi trong các điều kiện có thể tạo thuận lợi cho lốc xoáy hình thành.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy Trái Đất cứ nóng thêm 1 độ C, sẽ làm tăng từ 14-25% số vụ giông bão mạnh tại nước Mỹ. Nhưng hiện vẫn khó để dự báo hiện tượng này sẽ dẫn tới lốc xoáy như thế nào.

Theo một tài liệu mô hình hóa do nhà khoa học Trapp là đồng tác giả, “các trận lốc xoáy có thể mạnh hơn trong tương lai.” Tuy nhiên, lốc xoáy nghiêm trọng sẽ vẫn “hiếm khi xảy ra.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục