Liên tiếp xảy ra động đất có độ lớn từ 2.7-4.2 trong sáng 9/1 tại Kon Tum

Trận động đất có độ lớn cao nhất 4.2 xảy ra tại huyện Kon Plông vào lúc 1 giờ 55 phút, tại vị trí có tọa độ (14.955 độ vĩ Bắc, 108.180 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km. 
Khu vực thường chịu ảnh hưởng bởi động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), sáng 9/1, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy 5 trận động đất.

Trong đó, trận động đất có độ lớn cao nhất 4.2 xảy ra tại huyện Kon Plông vào lúc 1 giờ 55 phút, tại vị trí có tọa độ (14.955 độ vĩ Bắc, 108.180 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Trước đó, trong năm 2024, cả nước xảy ra 482 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 5. Trong số này, có tới hơn 440 trận động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong của tỉnh Kon Tum. Các trận động đất còn lại xảy ra ở các tỉnh, thành phố như: Quảng Nam, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Yên, Quảng Ngãi, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Điện Biên, Ninh Bình, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Phú Thọ và thành phố Hà Nội.

Theo Viện Vật lý Địa cầu, động đất tại khu vực huyện Kon Plông được các chuyên gia nhận định là động đất kích thích; xảy ra thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho hay các trận động đất tại Kon Plong trong thời gian qua là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới.

Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này có thể diễn ra sau vài tháng, vài năm khi ngấm đủ xuống bên dưới.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh cũng nhận định động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến ở khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn. Do đó, địa phương cần cập nhật thông tin thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình.

Theo quy định về “quy chế phòng, chống động đất, sóng thần,” ủy ban nhân dân các cấp khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần phải thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.

Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục