Cứ đến cuối năm, các dịch vụ làm đẹp dành cho phụ nữ lại nở rộ do nhu cầu tăng mạnh.
Tuy nhiên, các bác sỹ khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với các dịch vụ làm đẹp giá rẻ được thực hiện tại các cơ sở không phép, không đảm bảo chất lượng bởi nguy cơ tai biến luôn tiềm ẩn.
Lõm má, hỏng mũi vì ham thẩm mỹ giá rẻ
Những ngày gần đây, Bệnh viện Trưng Vương Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tiếp nhận, cấp cứu nhiều trường hợp bị biến dạng mắt, mũi, mặt vì nhấn mí, tạo má lúm đồng tiền, nâng mũi.
Bác sỹ Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương cho hay điểm chung của các trường hợp này là làm đẹp tại các spa, tiệm uốn tóc và những cơ sở không đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và hoàn toàn không phép.
Điển hình là ngày 25/1, chị T.T.M.H (25 tuổi) tìm đến Bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng mũi bị biến dạng, sưng tấy, chảy dịch màu xanh. Chị H. cho biết đã nâng mũi bằng silicon ở một spa với giá vài triệu đồng.
Trước đó không lâu, một trường hợp khác là chị N.H.T (35 tuổi) bị sưng một bên má sau khi thực hiện thủ thuật tạo má lúm đồng tiền tại một spa. Các bác sỹ đã phát hiện một ổ áp xe lớn trong má của bệnh nhân và phải phẫu thuật cắt bỏ. Sau phẫu thuật, má bệnh nhân bị lõm vào và trở nên dị dạng.
“Rất may là bệnh nhân này chỉ bị lõm má bởi tạo má lúm đồng tiền thường ảnh hưởng đến ống tuyến nước bọt, nếu người thực hiện không nắm rõ nguyên lý phẫu thuật có thể làm tắc hoặc rò rỉ ống tuyến nước bọt của bệnh nhân”, bác sỹ Khanh cho hay.
Cũng theo bác sỹ Phạm Trịnh Quốc Khanh, thời điểm cận Tết, khi nhu cầu làm đẹp của phụ nữ tăng lên cũng là lúc Khoa tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng của thẩm mỹ. Trung bình mỗi tuần có 1-2 ca, nhẹ là sưng đỏ, nhiễm trùng, nặng thì hoại tử không thể phục hồi.
[Bốn xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ sẽ nở rộ trong năm 2018]
Cảnh giác "tiền mất tật mang"
Cách đây một tuần, một nữ bệnh nhân 27 tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh phải cầu cứu Bệnh viện thẩm mỹ JW do mũi bị sưng, phù nề, đầu mũi lõm do hoại tử. Cô gái cho biết, trước đó 4 tháng đã thực hiện nâng mũi bằng chỉ tại một spa trên địa bàn thành phố.
Bác sỹ Nguyễn Phan Tú Dung - Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW cho biết, các bác sỹ đã phẫu thuật để rút các sợi chỉ trong mũi bệnh nhân ra ngoài.
Sau khi rút toàn bộ chỉ, bệnh nhân được tạo hình đầu mũi bằng sụn tự thân để cải thiện dáng mũi nhưng mũi bệnh nhân không thể phục hồi nguyên dạng như ban đầu.
Theo bác sỹ Nguyễn Phan Tú Dung, nâng mũi bằng chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nhiễm trùng, có thể chạm vào mạch máu, khi biến chứng khó xử lý hậu quả. Các trường hợp này thường do phẫu thuật viên không được cấp phép, các cơ sở thiếu uy tín thực hiện.
“Điều đáng nói, do ham giá rẻ nên nhiều người thường tìm đến các cơ sở nhỏ lẻ để thực hiện nhưng họ không lường được rằng chi phí điều trị biến chứng cao hơn gấp nhiều lần, như trường hợp cô gái nâng mũi bằng chỉ ở trên đã phải tốn gần 50 triệu đồng để điều trị biến chứng, gấp ba lần chi phí nâng mũi trước đó,” bác sỹ Nguyễn Phan Tú Dung khuyến cáo.
Bác sỹ Phạm Trịnh Quốc Khanh cho biết thêm, Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Trưng Vương thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị biến chứng sau khi làm đẹp ở các cơ sở thẩm mỹ chui, các tiệm uốn tóc… và đã cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có nhiều người không sợ, trong đó có cả những người có trình độ học vấn cao.
“Thậm chí bệnh nhân còn giấu diếm, không cho biết mình đã làm ở cơ sở nào nên chúng tôi không thể gửi phản hồi, cảnh báo cho các cơ quan quản lý," bác sỹ Phạm Trịnh Quốc Khanh cho hay.
Theo bác sỹ Khanh, đa phần các spa, thẩm mỹ viện, tiệm uốn tóc thường cử người đi học các khóa tạo lúm đồng tiền, nhấn mí, nâng mũi “thần tốc” chừng 3-4 tháng theo kiểu nghề dạy nghề, sau đó về thực hiện cho khách.
Những nơi nhận đào tạo cũng không quan tâm trình độ học vấn của học viên, thậm chí vẫn nhận dạy thủ thuật tạo lúm đồng tiền cho học viên mới chỉ học hết… lớp 5.
Trong khi đó, các thủ thuật nâng mũi, tạo má lúm đồng tiền, nhấn mí đều là những thủ thuật có xâm lấn, phải được các bác sỹ chuyên khoa được cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện.
Liên quan đến các cơ sở thẩm mỹ, bác sỹ Nguyễn Phan Tú Dung cho rằng đang có sự nhầm lẫn giữa các thẩm mỹ viện và các bệnh viện, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo quy định, thẩm mỹ viện chỉ được phép chăm sóc bên ngoài da, chăm sóc da thư giãn, không được làm các thủ thuật, phẫu thuật xâm lấn, gây chảy máu như xăm mắt, xăm môi, xăm lông mày...
Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép chỉ được làm các tiểu phẫu cắt mí mắt, nâng mũi, làm cằm chẻ, làm lúm đồng tiền... không được làm các phẫu thuật lớn như căng da mặt, hút mỡ, nâng ngực. Riêng đối với những phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê đều bắt buộc phải thực hiện ở các bệnh viện và chỉ được làm những kỹ thuật trong danh mục cho phép.
Do vậy, các bác sỹ khuyến cáo khi có nhu cầu làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin và đến các cơ sở thẩm mỹ có uy tín, có giấy phép của cơ quan chức năng để tránh tình trạng “tiền mất tật mang,” đi làm đẹp không khiến mình đẹp hơn mà còn trở nên… dị dạng./.