Mắc kẹt trong thang máy là trường hợp thang máy đang di chuyển thì bị mất điện đột ngột hoặc sự cố kỹ thuật dẫn đến thang máy bị dừng lại giữa các tầng nhà, cửa thang máy bị kẹt không thể mở, người dân bị mắc kẹt bên trong.
Ngoài ra, trong một số trường hợp khác, hệ thống truyền tải bị hỏng dẫn đến thang máy bị rơi tự do, trượt xuống với tốc độ nhanh làm cho người trong thang máy bị va đập, dẫn đến chấn thương, thậm chí tử vong.
Giải cứu 9 người mắc kẹt trong thang máy
Mới đây, chiều 24/8, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố Hà Nội nhận được tin báo từ nhân dân về sự cố thang máy tại căn nhà số 269-271 Quan Nhân, quận Thanh Xuân làm một số người bị mắc kẹt trong thang máy.
Ngay lập tức 17 cán bộ, chiến sỹ cùng xe chuyên dụng của lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ-Công an quận Thanh Xuân đã được điều động đến hiện trường phối hợp với Công an phường giải cứu người mắc kẹt.
Tại hiện trường, lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ-Công an quận Thanh Xuân đã trấn an 9 nạn nhân bị kẹt trong thang máy giữ bình tĩnh, đảm bảo sức khỏe, không hoảng loạn.
Sau hơn 10 phút thực hiện các biện pháp kỹ thuật, lực lượng chức năng đã đưa thang máy về đúng vị trí tầng và mở cửa thang, đưa 9 người bị mắc kẹt bên trong ra ngoài an toàn (trong đó có 2 trẻ nhỏ và 2 phụ nữ).
Nguyên nhân sơ bộ ban đầu được xác định là do lỗi kỹ thuật dẫn tới thang máy bị kẹt.
Một vụ việc cũng khiến nhiều người rùng mình khi một người đàn ông suýt mất mạng khi thang máy tại một chung cư gặp sự cố, bất ngờ di chuyển lên trên dù người này mới bước vào nửa người.
Vụ việc xảy ra khoảng 7h30 sáng 26/8 tại tòa chung cư HH2C thuộc tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Theo hình ảnh do camera ghi lại, khi cửa thang đang mở, một người đàn ông bước vào bên trong. Khi người này mới bước vào nửa người thì bất ngờ thang kéo lên các tầng trên dù chưa đóng hết cửa. Rất may lúc đó người đàn ông kịp lùi người lại nên thoát nạn.
Bốn nguyên tắc cần nhớ khi gặp các sự cố trong thang máy
Để giảm thiểu những tác động nguy hiểm khi gặp các sự cố trong thang máy, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ khuyến cáo người dân thực hiện 4 nguyên tắc.
Nguyên tắc 1: Giữ bình tĩnh, không la hét, hoảng loạn
Trong tất cả các trường hợp sự cố trong thang máy, mọi người trong thang cần phải giữ bình tĩnh, hít thở thật sâu và cùng suy nghĩ để có phương án xử lý tối ưu, nên hạ thấp trọng tâm bằng cách ngồi xuống hoặc hơi khuỵu gối, nắm chắc tay vịn, đặc biệt khi thang có hiện tượng trôi nhanh, rung lắc, nhằm đề phòng bị chấn thương khi thang va đập.
Do thang máy kín, không gian hẹp, hệ thống quạt thông gió có thể ngừng hoạt động, nếu như mọi người càng la hét và hoạt động mạnh sẽ nhanh chóng làm không khí trở nên ngột ngạt, khó thở vì khi đó lượng ôxy trong khu vực thang sẽ giảm nhanh, điều đó khiến trẻ nhỏ, người già hoặc những người có bệnh lý về tim mạch, huyết áp rất dễ ngất xỉu và nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên tắc 2: Bấm các nút chức năng của thang
Khi thang máy đã ở trạng thái ổn định, hãy thử bấm nút mở cửa, nếu cửa thang mở thì mọi người có thể lần lượt thoát ra ngoài. Tuy nhiên, trước khi bước ra ngoài cần phải quan sát cẩn thận, tránh trường hợp thang dừng lại ở vị trí không khớp với mặt sàn của các tầng, nếu mọi người bước ra ngoài không chú ý dẫn đến bước hụt và tụt xuống giếng thang gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trong trường hợp, khi bấm nút mở cửa nhưng thang không mở thì cần bình tĩnh suy xét và bấm các nút khẩn cấp khác (các nút khẩn cấp có hình cái chuông hoặc hình ống nghe điện thoại) để báo động cho bên ngoài đến hỗ trợ.
Nguyên tắc 3: Chèn cửa tạo khe thoáng để bổ sung không khí vào thang
Trong quá trình đợi người bên ngoài đến cứu, để ngăn ngừa tình trạng ngột ngạt, khó thở do thiếu không khí, mọi người trong thang có thể dùng các vật cứng như chìa khóa để lách vào khe cửa thang máy, sau đó kết hợp dùng các vật dụng khác có kích thước lớn hơn để chèn vào khe cửa thang.
Khi khe thang được hé mở, không khí sạch sẽ tràn vào trong thang giúp mọi người dễ thở hơn, khi đó nguy cơ ngất xỉu hoặc đột quỵ do thiếu không khí sẽ giảm xuống.
Trường hợp trong thang máy có sóng điện thoại thì nhanh chóng gọi theo số đường dây nóng (hotline) ghi trên thang máy để thông báo cho bộ phận kỹ thuật kịp thời đến hỗ trợ hoặc có thể gọi cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo số 114 đến và sử dụng các phương tiện đặc chủng để tổ chức cứu nạn.
Ngoài ra, cũng có thể liên hệ với bộ phận trực thang máy hoặc liên lạc với những người bên ngoài bằng cách gọi to, gõ vào thành thang máy để phát tín hiệu. Tuy nhiên, cần chú ý rằng không nên đập mạnh hoặc đạp vào thành hoặc cửa thang vì những tác động đó có thể làm thang bị trượt, đứt cáp tời dẫn đến thang rơi tự do.
Nguyên tắc 4: Không thoát nạn qua cửa nóc thang máy
Trong thời gian chờ đợi sự trợ giúp từ bên ngoài, mọi người không nên tìm cách mở cửa trên nóc thang và thoát nạn qua đó vì rất dễ bị trượt, ngã dẫn đến những chấn thương hoặc bị rơi xuống giếng thang gây nguy hiểm đến tính mạng./.