Liên quân Hàn-Mỹ tháo gỡ bất đồng về chia sẻ chi phí quốc phòng

Sau nhiều vòng đàm phán thất bại khiến dư luận đặt dấu hỏi về quan hệ đồng minh kéo dài nhiều thập kỷ, Hàn-Mỹ ngày 10/2 ký thỏa thuận vốn quy định về mức đóng chi phí giữa Seoul-Washington cho USFK.
Liên quân Hàn-Mỹ tháo gỡ bất đồng về chia sẻ chi phí quốc phòng ảnh 1Binh sỹ Mỹ tại tại căn cứ quân sự Yongsan ở Soeul, Hàn Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

AP đưa tin, sau nhiều vòng đàm phán thất bại khiến dư luận đặt dấu hỏi về mối quan hệ đồng minh kéo dài nhiều thập kỷ, Hàn Quốc và Mỹ ngày 10/2 đã ký kết Thỏa thuận Các biện pháp Đặc biệt (SMA) sửa đổi - vốn quy định về mức đóng góp chi phí giữa Seoul và Washington cho hoạt động của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK).

Tiến triển này đạt được ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ấn định thời điểm tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra tại Việt Nam trong hai ngày 27-28/2 tới.

Trong năm 2018, Hàn Quốc đã đóng góp 830 triệu USD, tương đương khoảng 40% chi phí cho hoạt động đồn trú của khoảng 28.500 binh sỹ Mỹ ở Xứ sở Kim Chi nhằm ngăn chặn hành động xâm lược của Triều Tiên. Chính quyền ông Trump đã đề nghị Seoul chi trả nhiều hơn cho hoạt động này của Mỹ.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: các quan chức Mỹ và Hàn Quốc ngày 10/2 vừa qua đã ký kết một kế hoạch chia sẻ chi phí mới, trong đó phía Hàn Quốc phải đóng góp 1.040 tỷ won (tương đương 924 triệu USD) trong năm nay.

Hai nước tái khẳng định nhu cầu duy trì "sự ổn định" quân đồn trú Mỹ ở Hàn Quốc nhất là trong thời điểm "đang có những thay đổi nhanh chóng trên bán đảo Triều Tiên."

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng cho biết phía Mỹ khẳng định duy trì liên minh chặt chẽ và chưa có kế hoạch thay đổi số lượng binh sỹ đồn trú ở Xứ sở Kim Chi.

Hàn Quốc bắt đầu chi trả cho các hoạt động đồn trú của quân đội Mỹ ở nước này từ đầu những năm 1990 thời điểm nền kinh tế được phục hồi từ đống đổ nát của cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc là một biểu tượng của đồng minh từng sát cánh bên nhau trong chiến tranh, nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân làm nảy sinh tư tưởng chống Mỹ kéo dài.

Khoảng 20 nhà hoạt động có tư tưởng chống Mỹ đã tụ tập gần tòa nhà Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ở Seoul hôm 10/2 vừa qua dương cao các khẩu hiệu như "Không cung cấp tiền cho quân đội Mỹ." Tuy nhiên, đã không có bạo lực xảy ra.

Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Timothy Betts ngày 10/2 vừa qua đã nói rằng "Chính phủ Mỹ nhận thức được rằng Hàn Quốc đã có nhiều đóng góp cho mối quan hệ đồng minh cũng như duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực."

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Thỏa thuận SMA (sửa đổi), vốn liên quan đến những đóng góp tài chính của Seoul, vẫn cần quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn trong khi phía Mỹ không cần thủ tục này.

Seoul và Washington đã trải qua 10 vòng đàm phán mà không thể thông qua SMA. Thỏa thuận trước đây có thời hạn trong 5 năm (ký kết năm 2014) đã chính thức hết hạn từ cuối năm 2018.

Tuy nhiên, thỏa thuận SMA sửa đổi nêu trên sẽ chỉ có hiệu lực trong một năm thay vì các thỏa thuận ký trước đó có hiệu lực trong 5 năm.

[Lãnh đạo Hàn, Mỹ sớm điện đàm về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2]

Một số người theo đường lối bảo thủ ở Hàn Quốc lên tiếng lo ngại về sự suy yếu của liên minh Hàn Quốc-Mỹ xuất hiện vào đúng thời điểm các cuộc đàm phán với Triều Tiên liên quan đến hoạt động giải giáp hạt nhân rơi vào bế tắc.

Họ cho rằng chính quyền ông Trump cần phải coi thất bại trong các cuộc đàm phán với Hàn Quốc về chia sẻ chi phí quân sự như một lý do để bào chữa cho việc rút một số lượng binh sỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc về nước cũng như một công cụ để mặc cả với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Ông Trump đã nói trong Chương trình "Face the Nation" của Đài CBS ngày 3/2 vừa qua rằng ông không có kế hoạch rút quân đồn trú ở Hàn Quốc về nước.

Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, ông Trump đã nói rằng có thể phải tính đến phương án rút quân đồn trú ở Hàn Quốc và Nhật Bản nếu Seoul và Tokyo không tham gia chia sẻ gánh nặng tài chính đang ngày càng phình to mà Washington đang một mình "gánh vác."

Truyền thông Hàn Quốc mới đây đưa tin rằng Trump đã đề nghị Hàn Quốc tăng gấp hai lần đóng góp chi phí cho việc duy trì đội quân đồn trú trước khi chính phủ Mỹ đưa ra gói tài chính trị giá 1.130 tỷ won (khoảng 1 tỷ USD).

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng nói rằng Washington đã đề nghị Seoul tăng thêm khoản đóng góp cho chi phí quốc phòng của Mỹ ở Xứ sở Kim Chi nhưng không đề cập chi tiết.

Tuần trước, ông Trump tuyên bố sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với ông Kim Jong-un. Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất diễn ra ở Singapore hồi tháng 6/2018 đã mang lại thành quả với cam kết hướng tới "phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên" của Kim Jong-un, một "lá bài" mà cơ quan tuyên truyền của Bình Nhưỡng thường sử dụng khi tuyên bố rằng Triều Tiên chỉ giải giáp hạt nhân sau khi Mỹ rút quân đồn trú khỏi Hàn Quốc.

Đặc phái viên hàng đầu của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tuần trước đã tới Bình Nhưỡng để thảo luận với giới chức nước chủ nhà về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sắp tới.

Sau khi được Đặc phái viên Stephen Biegun tóm tắt về kết quả chuyến công du Bình Nhưỡng, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 10/2 vừa qua cho biết các quan chức Mỹ và Triều Tiên có kế hoạch gặp lại nhau trong tuần tới ở một quốc gia châu Á chưa xác định.

Quân đội Mỹ được huy động đến Hàn Quốc để giải giáp thực dân Nhật Bản vốn đã đô hộ bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn 1910-1945 cho đến khi bị thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Hầu hết số binh sỹ này đã được rút về Mỹ năm 1949 nhưng sau đó đã quay trở lại Hàn Quốc vào năm 1950 để sát cánh cùng quân đội nước này trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục