Liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu tham chiến ở Yemen ngày 29/10 khẳng định cam kết tuân thủ hoàn toàn các nguyên tắc của Liên hợp quốc trong các hoạt động quân sự của lực lượng này tại Yemen.
Tuyên bố trên được đưa ra trong cuộc họp các ngoại trưởng và tổng tham mưu trưởng các nước thành viên của liên minh, được tổ chức tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
Hãng thông tấn Saudi Arabia đưa tin, các quan chức tham dự cuộc họp khẳng định các hoạt động quân sự của liên quân đã được thực hiện theo đề nghị của chính phủ được quốc tế công nhận tại Yemen nhằm chống lại lực lượng phiến quân Houthi đang hoạt động tại miền Bắc nước này.
[Đặc phái viên Liên hợp quốc lên án các bên tham chiến tại Yemen]
Những người dự họp cũng cáo buộc Iran hậu thuẫn các hoạt động của phiến quân và phá hỏng các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, dẫn tới sự thất bại của các cuộc đàm phán chính trị. Bên cạnh đó, các quan chức nhất trí tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo tại Yemen.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nêu rõ lập trường của Ai Cập là một giải pháp chính trị tại Yemen là cấp thiết và chỉ có thể đạt được thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ông khẳng định "bất kỳ nỗ lực nào nhằm trì hoãn hoặc lẩn tránh một nghị quyết như vậy" sẽ chỉ kéo dài cuộc khủng hoảng và làm tình hình nhân đạo thêm nghiêm trọng. Ngoại trưởng Ai Cập kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các bên tham chiến tại Yemen thể hiện trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo tại quốc gia Trung Đông này.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh kiểm soát phần lớn lãnh thổ, trong đó có thủ đô Sanaa. Tháng 3/2015, liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansour Hadi.
Các vòng đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ giữa các bên đối địch tại Yemen từ trước tới nay chưa thể giúp chấm dứt xung đột tại nước này.
Chiến tranh và xung đột kéo dài hơn 2 năm qua tại Yemen đã khiến khoảng 12.000 người thiệt mạng, trong đó đa số là dân thường, gần 40.000 người bị thương, 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và 2/3 dân số nước này cần cứu trợ nhân đạo.
Kể từ tháng 4 vừa qua, Yemen đang phải đối mặt với dịch tả tồi tệ nhất trên thế giới với khoảng 5.000 ca nhiễm mỗi ngày và khoảng 15 triệu người ở nước này đang lâm vào tình trạng thiếu nước sạch và dịch vụ y tế, trong khi 7 triệu người có nguy cơ bị đói và 460.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng./.