Liên quân Arab cho phép mở cửa trở lại cảng biển tại Yemen

Liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu tham chiến ở Yemen đã cho phép cảng Hodeidah, đang bị lực lượng Houthi chiếm đóng và liên quân phong tỏa, tiếp tục mở cửa đến ngày 19/1 tới.
Liên quân Arab cho phép mở cửa trở lại cảng biển tại Yemen ảnh 1Cảng Hodeidah. (Nguồn: Reuters)

Liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu tham chiến ở Yemen đã cho phép cảng Hodeidah, đang bị lực lượng Houthi chiếm đóng và liên quân phong tỏa, tiếp tục mở cửa đến ngày 19/1 tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16/1, bà Bettina Luescher thuộc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc kêu gọi các bên ở Yemen ngăn chặn nạn đói bằng cách để các cơ quan cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc tiếp tục vận chuyển lương thực và thuốc men tới Yemen. Quan chức trên cho rằng thời hạn trên cần được gia hạn để cho phép hàng cứu trợ tiếp tục đi qua cảng này. Ước tính khoảng 70% hàng hóa nhập khẩu của Yemen đi qua cảng Hodeidah. 

Trong khi đó, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch bạch hầu bùng phát ở Yemen đang "lan rộng nhanh chóng", với 48 trường hợp tử vong và 678 ca nhiễm bệnh chỉ trong 4 tháng qua. Một chiến dịch tiêm vaccine phòng bạch hầu đang được triển khai ở Yemen.

Liên quân tăng cường không kích phiến quân Houthi ở Yemen

Các quan chức Liên hợp quốc bày tỏ hy vọng việc mở cửa trở lại cảng Hodeidah cho phép hàng hóa nhập khẩu lưu thông sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ xảy ra nạn đói cũng như kiểm soát dịch bạch hầu lan rộng tại quốc gia nghèo nhất thế giới Arab này.

Trước đó cùng ngày, Cơ quan Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cảnh báo hơn 75% người dân Yemen đang cần viện trợ nhân đạo trong bối cảnh cuộc chiến giữa phiến quân Houthi và Chính phủ Yemen sắp bước sang năm thứ 4. Cụ thể, khoảng 8,4 triệu người dân Yemen đang có nguy cơ đối mặt với nạn đói, tăng từ mức 6,8 triệu người trong năm 2017. Hiện tổng cộng có 22,2 triệu người, tương đương 76% dân số Yemen đang phải phụ thuộc vào hàng viện trợ, tăng 1,5 triệu người trong 6 tháng qua.

Thời gian qua, các nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng mà Liên hợp quốc nhận định là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới này đã bị cản trở bởi lệnh phong tỏa của liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu. Sau khi phiến quân Houthi bắn tên lửa nhằm vào sân bay Riyadh tháng 11/2017, liên quân đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với các cảng biển bị quân nổi dậy chiếm đóng.

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh kiểm soát phần lớn lãnh thổ, trong đó có thủ đô Sanaa. Tháng 3/2015, liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansour Hadi. Các vòng đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ giữa các bên đối địch tại Yemen từ trước tới nay chưa thể giúp chấm dứt xung đột tại nước này. Chiến tranh và xung đột kéo dài hơn 2 năm qua tại Yemen đã khiến khoảng 12.000 người thiệt mạng, trong đó đa số là dân thường, gần 40.000 người bị thương, 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và 2/3 dân số nước này cần cứu trợ nhân đạo./.

  
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục