Liên minh Thái Bình Dương tìm cách thu hút đầu tư từ châu Á

Hiệp định thương mại với Singapore sẽ cho phép các nước trong Liên minh Thái Bình Dương sử dụng nguyên liệu thô và các nguyên liệu đầu vào khác trong khu vực giúp củng cố và gia tăng chuỗi sản xuất.
Singapore là một trong những thị trường ở châu Á mà Liên minh Thái Bình Dương hướng tới. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, Liên minh Thái Bình Dương (AP) - gồm Chile, Colombia, Mexico và Peru - hiện đang tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn từ châu Á.

Singapore đã trở thành quốc gia đối tác đầu tiên của AP kể từ khi khối này được thành lập vào năm 2011. Việc này rất quan trọng đối với nền kinh tế của các nước sáng lập AP do lợi ích kinh tế tạo ra từ mối quan hệ thương mại với Singapore, nền kinh tế đứng thứ 9 thế giới và là nước xuất khẩu lớn thứ 6 thế giới.

Hiệp định thương mại với Singapore sẽ cho phép các nước trong AP sử dụng nguyên liệu thô và các nguyên liệu đầu vào khác trong khu vực giúp củng cố và gia tăng chuỗi sản xuất.

Việc Singapore tham gia thị trường AP - khối chiếm 41% GDP của Mỹ Latinh - cho thấy khu vực châu Á-Thái Bình Dương là cửa ngõ vào các thị trường lớn nhất thế giới.

AP thành lập vào ngày 28/4/2011, là một sáng kiến thu hút sự chú ý vì hướng đến một cơ chế hội nhập sâu rộng. Mexico hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của khối này.

[Singapore sẽ ký FTA với Liên minh Thái Bình Dương vào cuối 2021]

Hiện AP còn bao gồm 55 quốc gia quan sát viên ở mọi châu lục và đang tiến hành các thủ tục để kết nạp Ecuador, Costa Rica và Panama, cũng như đàm phán với Australia, Canada, Hàn Quốc và New Zealand để trở hành các quốc gia đối tác của khối.

Kể từ khi thành lập, các quốc gia thành viên của AP đều nhận thức rõ ràng rằng điều quan trọng là phải phối hợp với nhau để đạt được các mục tiêu đề ra và thúc đẩy tăng trưởng cũng như khả năng cạnh tranh của nền kinh tế khu vực.

Bên cạnh mục tiêu hàng đầu là phát triển kinh tế, chương trình nghị sự của AP cũng thúc đẩy văn hóa thông qua trao đổi kinh nghiệm, học bổng sinh viên và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghệ thuật và bảo tồn di sản văn hóa.

AP đã đề ra các mục tiêu trong năm 2022 bao gồm phục hồi kinh tế, phát triển bền vững, thúc đẩy thị trường kỹ thuật số khu vực...

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, AP sẽ phải vượt qua nhiều thách thức như đạt được mức tăng trưởng dân số bền vững để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năng động, thu hút vốn tư nhân thông qua các công ty địa phương và đa quốc gia đang hoạt động và có cơ sở ở Mỹ Latinh và tìm cách thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài từ châu Á cũng như thúc đẩy sự tiếp cận của các nhà cung cấp dịch vụ đối với một loạt lĩnh vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục