Liên minh Thái Bình Dương tăng sức hút sau khi TPP hoàn tất

Tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất tháng trước đã khiến Liên minh Thái Bình Dương trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Liên minh Thái Bình Dương tăng sức hút sau khi TPP hoàn tất ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Canadians.org)

Tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất tháng trước đã khiến Liên minh Thái Bình Dương trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết đối với Mỹ Latinh, khu vực mà nhiều liên kết khối đang dần mất đi sự năng động.

Trong số 4 quốc gia thành viên của Liên minh Thái Bình Dương, có 3 quốc gia đã tham gia ký TPP, gồm Chile, Peru và Mexico, chỉ còn thiếu Colombia. Quốc gia Nam Mỹ này cũng đã bày tỏ mong muốn tham gia TPP khi Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vừa kết thúc tại Manila, Philippines.

Năm 1995, Colombia đã bày tỏ mong muốn chính thức gia nhập APEC, nhưng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á lúc đó, tổ chức này đã quyết định không chấp thuận thêm thành viên mới.

Bộ trưởng Thương mại Colombia Cecilia Álvarez-Correa lấy làm tiếc bởi nước này đã chậm chân trong việc tham gia APEC và do đó cũng không thể tham gia TPP mặc dù rất muốn. Bên cạnh đó, các nước thành viên khác của Liên minh Thái Bình Dương đều khẳng định ủng hộ Colombia tham gia vào TPP.

Việc chỉ có ba quốc gia Mỹ Latinh duy nhất tham gia TPP và đều là thành viên của Liên minh Thái Bình Dương đã khiến diễn đàn khối này trở nên rất hấp dẫn. Costa Rica và Panama đã bày tỏ mong muốn được gia nhập liên minh này. Trong trường hợp của Panama, nước này hiện đã triển khai thực hiện Hiệp định tự do thương mại (FTA) với Mexico. Bộ trưởng Công Thương Panama, Melitón Arrocha cho biết đã ký FTA với cả 4 nước thành viên của Liên minh Thái Bình Dương và đây là một lợi thế của Panama.

Thách thức lớn nhất hiện nay của Liên minh Thái Dình Dương là xác định hướng đi trong tương lai. Thứ nhất là có tiếp nhận thêm thành viên mới hay không bởi Panama, Costa Rica và Guatemala đều xin gia nhập. Thứ hai là xác định mối liên kết của khối với các quốc gia quan sát viên, trong đó có Tây Ban Nha, nước có nhiều quan tâm nhất trong việc tăng cường hợp tác. Thứ ba là cụ thể hóa những kế hoạch đã được thống nhất với châu Á. Tháng 9/2014, các ngoại trưởng của Liên minh Thái Bình Dương đã nhóm họp với đại diện của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại New York và mới đây tại Cartagena, một phái đoàn doanh nhân ASEAN cũng đã làm việc với đại diện của liên minh để thúc đẩy hợp tác. Thứ tư là cần phải có lộ trình đối thoại với các quốc gia khác ở Mỹ Latinh, đặc biệt là khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).

Liên minh Thái Bình Dương thậm chí cũng đã thu hút được sự chú ý của các quốc gia mà hầu như từ trước tới nay chẳng để ý tới sự tồn tại của nó như trường hợp của Brazil. Vừa mới đây, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khu vực, nhấn mạnh Mercosur và Liên minh Thái Bình Dương cần tăng cường hợp tác để cùng có lợi. Theo bà Rousseff, các quốc gia lựa chọn những mô hình phát triển khác nhau cần xích lại gần nhau hơn và các bên cần nỗ lực thúc đẩy hợp tác vì sự tiến bộ và hội nhập của Mỹ Latinh.

Được thành lập năm 2011, Liên minh Thái Bình Dương được ví như “Tứ hổ của Mỹ Latinh” vì trong thời gian ngắn đã liên kết thành công và thúc đấy tiến trình hội nhập khu vực, phát triển kinh tế xã hội thông qua xuất khẩu, đẩy mạnh công nghiệp hóa qua đó nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Hiện Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của bốn quốc gia thành viên Liên minh Thái Bình Dương chiếm gần 40% GDP của khu vực Mỹ Latinh, tăng trưởng bình quân 4%/ năm với kim ngạch xuất khẩu trên 445 tỷ USD/năm. Liên minh Thái Bình Dương hiện có tới 32 quốc gia quan sát viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục