Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Liên minh Thái Bình Dương (AP) ở Cartagena, Colombia, ngày 10/2 các nước thành viên khối liên kết này đã ký Hiệp định khung nhằm tạo thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ, theo đó 92% các sản phẩm trao đổi nội khối sẽ được miễn thuế ngay sau khi văn bản được quốc hội các nước thông qua.
Đây là văn kiện quan trọng nhất được Chile, Colombia, Mexico và Peru ký kể từ khi các nước này thành lập liên minh nhằm tăng cường hội nhập nội khối và thúc đẩy quan hệ với các quốc gia bên kia bờ Thái Bình Dương.
Theo văn bản trên, 8% các sản phẩm còn lại - là những sản phẩm nông sản “nhạy cảm” đối với một số nước - sẽ được bãi bỏ thuế quan trong vòng 17 năm.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Juan Manuel Santos khẳng định AP đã thực hiện hầu hết các mục tiêu đề ra tại hội nghị ở Lima (Peru) năm 2011, đồng thời kêu gọi những người đồng cấp cùng thúc đẩy để khối tiến tới các mục tiêu “tham vọng” hơn.
AP được chính thức thành lập tháng 6/2012 với bốn thành viên ban đầu. Tại hội nghị lần này, Costa Rica đã ký tuyên bố gia nhập khối được đánh giá là nền kinh tế lớn thứ chín thế giới này trong cương vị thành viên chính thức.
Theo Tổng thống Santos, mới đây, khối đã thông qua đề nghị của Phần Lan, Singapore, Israel và Morocco làm quan sát viên, nâng tổng số các nước giữ quy chế này lên 30.
Ngoài bãi bỏ thị thực nhập cảnh đối với công dân của các nước kia, AP áp dụng thị thực chung, cho phép công dân các nước ngoài khối có thể thăm các nước thành viên AP với thị thực nhập cảnh duy nhất.
Mặt khác, AP đã bắt đầu triển khai chia sẻ trụ sở đại sứ quán, cơ quan lãnh sự hoặc văn phòng thương mại nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao này.
Với 212 triệu người tiêu dùng và tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên 2.000 tỷ USD, chiếm 36% GDP của Mỹ Latinh, AP đạt tăng trưởng bình quân 5% trong năm 2012, cao hơn mức trung bình 3% của thế giới.
AP chiếm 50% kim ngạch thương mại của Mỹ Latinh./.