Chiều 30/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.
Tham dự cuộc họp có đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam Kidong Park đánh giá cao thành tích của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như sự nỗ lực của các nhà khoa học Việt Nam trong việc nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Cập nhật nhanh diễn biến dịch bệnh trên toàn cầu, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh dịch bệnh trên toàn cầu diễn biến theo chiều hướng phức tạp với gần 10,4 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 và hơn 507.000 người tử vong.
[Vắcxin COVID-19 "made in Vietnam" vượt tiến độ dự kiến]
Trung bình mỗi ngày, Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận khoảng 150.000 ca nhiễm mới và hơn 4.000 ca tử vong. Điều đáng nói, hiện thế giới chưa có thuốc hay vắcxin đặc trị dịch bệnh.
Liên quan đến việc xem xét, quyết định việc mở cửa trở lại đường biên giới, nối lại các chuyến bay quốc tế với một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã kiểm soát dịch COVID-19, các chuyên gia khuyến cáo dịch COVID-19 còn kéo dài, các nước cần “cân nhắc thận trọng khi xem xét và quyết định vấn đề này.”
Thông tin về cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới về mở cửa biên giới và nối lại các chuyến bay quốc tế diễn ra vào tháng 4/2020, ông Kidong Park cho biết các quốc gia cần lưu ý ba yếu tố quan trọng: vấn đề kiểm soát dịch bệnh ở nước bay đi và bay đến; khả năng ứng phó với số ca bệnh gia tăng khi mở cửa trở lại; khả năng phát hiện, truy vết, quản lý các ca bệnh xâm nhập của hệ thống giám sát.
Lưu ý cần thận trọng từng bước trong việc xem xét mở cửa biên giới, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo chỉ nên ưu tiên những hoạt động đi lại cần thiết; cân nhắc năng lực giám sát tại cửa khẩu của mỗi quốc gia; phản ứng của dân chúng; khả năng chịu đựng của nền kinh tế đất nước…
Tại cuộc họp, một số chuyên gia quốc tế nhấn mạnh xét theo tiêu chí 30 ngày liên tiếp không có ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng, hiện có ít quốc gia kiểm soát được dịch bệnh, trừ một số nước châu Á.
Do đó, các chuyên gia lưu ý việc đầu tư tối đa cho hệ thống y tế, nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó; đồng thời chủ động đối thoại song phương với các quốc gia liên quan khi xem xét mở lại biên giới, nối lại đường bay.
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, các chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm bởi đây là yếu tố then chốt góp phần giúp ngăn ngừa đại dịch.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để người dân sẵn sàng ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới.
Các tổ chức quốc tế cam kết nỗ lực phối hợp với Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh; đồng thời mong muốn Việt Nam chia sẻ, hợp tác trong nghiên cứu sản xuất vắcxin phòng ngừa virus SARS-CoV-2.
Ông Kidong Park cho biết Liên minh vắcxin ngừa SARS-CoV-2 muốn mời Việt Nam tham gia nghiên cứu, sản xuất.
“Việc tham gia Liên minh vắcxin ngừa SARS-CoV-2 là điều kiện quan trọng để người dân tiếp cận được vắcxin trong thời gian sớm nhất có thể, dự kiến vào khoảng cuối năm 2021,” ông Kidong Park nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề sản xuất vắcxin, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam có hai đơn vị đang nghiên cứu sản xuất vắcxin phòng, chống COVID-19 và đã tiến hành thử nghiệm trên chuột. Theo đó, chất lượng vắcxin tương đối tốt, dự kiến thời gian tới sẽ thử nghiệm trên linh trưởng và sau đó là trên người.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long mong muốn WHO và các tổ chức quốc tế cùng hợp tác, chia sẻ để đẩy nhanh quá trình sản xuất vắcxin tại Việt Nam.
Trên tinh thần phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chung của toàn thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng đồng hành, đóng góp cùng thế giới phòng, chống dịch bệnh. Hiện, Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất 4 loại sinh phẩm xét nghiệm (kit thử); trong đó có những loại kit thử được đánh giá cao với độ nhạy, độ đặc hiệu cao; giá rẻ hơn so với các loại đang bán trên thị trường thế giới.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng mong muốn Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức quốc tế tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam kết nối, chia sẻ, phổ biến các sản phẩm đến các quốc gia trên thế giới, cùng nhau đẩy lùi dịch COVID-19./.