Liên minh Mỹ-Nhật-Hàn: Củng cố đồng minh vì lợi ích lâu dài

Nhật Bản và Hàn Quốc có vị trí địa-chính trị quan trọng tại khu vực châu Á​-Thái Bình Dương, từ lâu là nơi đồn trú của hàng chục nghìn lính Mỹ, có thể nói thuộc phạm vi an ninh quốc phòng của Mỹ.
Liên minh Mỹ-Nhật-Hàn: Củng cố đồng minh vì lợi ích lâu dài ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In (thứ 3, phải) có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 4, trái) đang trong chuyến thăm Hàn Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn Nhật Bản và Hàn Quốc là hai điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du chính thức châu Á đầu tiên kéo dài 12 ngày của ông cho thấy Washington tiếp tục xác định đây là hai đồng minh đặc biệt quan trọng của Mỹ ở khu vực, đặc biệt trong bối cảnh trước đó chính quyền của Tổng thống Trump bị đánh giá là chưa định hình rõ chiến lược đối ngoại đối với khu vực Đông Bắc Á.

Nhật Bản và Hàn Quốc có vị trí địa-chính trị quan trọng tại khu vực châu Á​-Thái Bình Dương, từ lâu là nơi đồn trú của hàng chục nghìn lính Mỹ, có thể nói thuộc phạm vi an ninh quốc phòng của Mỹ.

Tình hình căng thẳng leo thang tại khu vực Đông Bắc Á với những vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên không chỉ đe dọa an ninh của Nhật Bản và Hàn Quốc mà còn đe dọa cả an toàn quốc gia Mỹ.

Với những mục tiêu an ninh chung, hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò sống còn đối với Mỹ.

Củng cố liên minh Mỹ-Nhật-Hàn nhằm đối phó với những động thái của Triều Tiên cũng như "dẫn dắt" phản ứng của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này, trở thành ưu tiên trong các cuộc gặp cấp cao Nhật Bản​-Mỹ và Hàn Quốc-Mỹ.

Các cuộc hội đàm cấp cao tại cả Tokyo và Seoul đều được đánh giá là đạt kết quả khi lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều thể hiện một tầm nhìn tương đối đồng nhất trong vấn đề Triều Tiên, cụ thể là nhất trí tiếp tục gây áp lực để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Thậm chí, chỉ một ngày sau khi ông Trump rời Nhật Bản, Tokyo đã thể hiện ủng hộ lập trường cứng rắn của Tổng thống Mỹ đối với Triều Tiên bằng cách công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung mới nhằm vào Bình Nhưỡng.

Đây có thể xem là thành công của ông Trump bởi trước chuyến thăm, những tuyên bố cứng rắn của ông, đặc biệt là dọa “đáp trả Triều Tiên bằng hỏa lực và sự thịnh nộ mà thế giới chưa từng chứng kiến,” được dự đoán sẽ nhận được sự đồng tình của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người luôn ủng hộ một quan điểm không khoan nhượng đối với Triều Tiên, song có thể vấp phải trở ngại tại Hàn Quốc, nơi đa số người dân không hề muốn đẩy căng thẳng lên quá mức gây nguy cơ một cuộc chiến tranh nữa với Triều Tiên.

[Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết bảo vệ Mỹ và các đồng minh]

Tại Hàn Quốc, thay cho những phát biểu gây phản ứng như trước đó, Tổng thống Mỹ đã có động thái khôn khéo và ôn hòa hơn khi lần đầu tiên kêu gọi Triều Tiên hãy “hành động đúng đắn” và “ngồi vào bàn thương lượng về một thỏa thuận hạt nhân.”

Động thái này được đánh giá là phù hợp với quan điểm của Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm, người kiên quyết dùng giải pháp ngoại giao và bác bỏ dùng quân sự để giải quyết căng thẳng với Triều Tiên.

Tuy gặt hái được kết quả khá tích cực về vấn đề Triều Tiên, ông Trump vẫn phải đối mặt với trở ngại trong nỗ lực siết chặt hơn nữa liên minh quân sự ba bên Mỹ​-Nhật​-Hàn, khi mà giữa Nhật Bản với Hàn Quốc vẫn đang tồn tại bất đồng liên quan các vấn đề lịch sử, trong đó có thỏa thuận giải quyết vấn đề về phụ nữ mua vui trong chiến tranh và tranh chấp về chủ quyền biển đảo.

Tổng thống Mỹ đã nỗ lực thuyết phục Seoul về sự cần thiết ba nước phải đoàn kết để gia tăng sức mạnh nhằm đối phó với Triều Tiên, song cho đến nay Hàn Quốc dường như vẫn thể hiện thái độ miễn cưỡng trong việc chia sẻ các thông tin tình báo với Nhật Bản.

Mặc dù vậy, chuyến thăm của ông Trump tới Nhật Bản và Hàn Quốc cũng được nhận định là đạt mục tiêu hàng đầu, đó là chứng tỏ rằng cho dù vẫn còn những bất đồng về thương mại, song ba nước vẫn duy trì mối quan hệ đồng minh bền chặt và là một mặt trận thống nhất trong việc đối phó với Triều Tiên.

Thúc đẩy cải thiện cán cân thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc là mục tiêu quan trọng thứ hai của Tổng thống Trump trong chuyến công du Đông Bắc Á lần này.

Mặc dù luôn khẳng định Nhật Bản và Hàn Quốc là đồng minh quan trọng trong lĩnh vực chính trị-an ninh, song đối với thương mại, mối quan hệ này khá gập ghềnh.

Tổng thống Trump luôn phàn nàn rằng Mỹ đang gánh chịu thâm hụt thương mại do “những thỏa thuận thương mại song phương (FTA) bất bình đẳng” với Tokyo và Seoul.

Ông Trump từng tuyên bố sẽ không chần chừ trong việc “đòi lại công bằng cho nước Mỹ.” Vì vậy ngay sau khi ông Trump nhậm chức, chính quyền Mỹ đã xúc tiến kế hoạch đàm phán lại những thỏa thuận này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ đang phải dành ưu tiên cho đàm phán lại Thỏa thuận tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), việc đàm phán lại FTA với Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ bị lùi lại và chưa biết thời điểm nào có thể hoàn tất do các bên vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng.

Chính vì vậy, với đầu óc kinh doanh của một nhà tài phiệt hàng đầu nước Mỹ, ông Trump đã tận dụng mục tiêu siết chặt liên minh quân sự ba nước trong chuyến công du này, để trực tiếp đề nghị Hàn Quốc và Nhật Bản thực hiện những thương vụ lớn mua vũ khí của Mỹ.

Washington coi đây là biện pháp trước mắt giúp Mỹ giảm bớt thâm hụt thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đồng ý với đề nghị của Tổng thống Trump, nói rằng Seoul đang cần nâng cao năng lực quân sự để đối phó với mối đe dọa ngày một lớn từ quốc gia liền kề Triều Tiên.

Mặt khác, có ý kiến cho rằng việc Tổng thống Hàn Quốc nhanh chóng chấp thuận thương vụ mua bán vũ khí với Mỹ cũng có thể là nỗ lực nhằm cứu FTA song phương khi các nguồn tin từ Washington cho biết chính quyền Mỹ đang xem xét rút khỏi thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm 2018, Bộ Thương mại Mỹ sẽ khởi động tiến trình rà soát tình trạng mất cân đối thương mại với nước ngoài. Hàn Quốc dự đoán đây sẽ là thời điểm đáng lo ngại vì các chính sách mang tính bảo hộ có thể bắt đầu được áp dụng trong suốt thời gian tiếp theo trong nhiệm kỳ của ông Trump.

Theo tính toán của Hàn Quốc, kinh tế Hàn Quốc, đặc biệt ngành hóa dầu và một số ngành công nghiệp khác, sẽ bị thiệt hại nặng nếu FTA với Mỹ bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, tại Nhật Bản, lo ngại việc tăng mạnh chi phí quân sự sẽ châm ngòi cho làn sóng chỉ trích của phe đối lập, Tokyo vẫn chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng ngoài việc hứa sẽ cân nhắc việc tiếp tục mua vũ khí của Mỹ.

Bên cạnh đó, bản thân Tổng thống Mỹ đã công nhận hàng loạt tập đoàn lớn của Nhật Bản đang đem lại hàng nghìn việc làm cho người dân Mỹ và đóng góp lớn cho nền kinh tế Mỹ, điều khiến Washington khó gây sức ép quyết liệt với Tokyo như đang làm với Seoul trong lĩnh vực thương mại.

Có thể thấy, tại những điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du chính thức châu Á lần này, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện một đường lối đối ngoại tương đồng với định hướng của các tổng thống Mỹ tiền nhiệm.

Đó là khẳng định vị trí quan trọng không thay đổi của hai quốc gia Đông Bắc Á này trong chiến lược an ninh của Mỹ.

Tổng thống Donald Trump đã gọi Nhật Bản và Hàn Quốc là “các đối tác quý giá,” đồng thời tái cam kết sẽ bảo vệ các đồng minh Đông Bắc Á trước mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Những gì thể hiện trong chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với các điểm dừng chân sắp tới gồm Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, chứng tỏ chính quyền Washington vẫn đang kế thừa chính sách xoay trục châu Á-Thái Bình Dương theo hướng thực dụng và hiệu quả hơn để củng cố và thúc đẩy các lợi ích lâu dài của Mỹ trong khu vực./

tin tức, tin tức mới nhất, tin tức 24h, tin tức mới nhất trong ngày, tin tức thời sự, tin tức hot, tin tức an ninh, tin tức hot, an ninh, an ninh nghệ an, thời sự, thời sự hôm nay, bản tin thời sự, tội phạm, truy nã, tội phạm hình sự, hình sự, công an, vụ án, phạm pháp, pháp luật, pháp đình, xã hội, an ninh xã hội, chính trị, VietnamPlus, Vietnam, Plus
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục