Liên minh hải quân do Mỹ đứng đầu bảo vệ tàu bè tại vùng Vịnh

Liên minh mang tên Xây dựng An ninh biển (IMSC) đã được thành lập từ tháng Sáu vừa qua, với mục đích "loại bỏ các mối đe dọa đối với nguồn cung ứng dầu mỏ thế giới."
Tàu chở hàng tại khu vực vùng Vịnh, ngoài khơi thành phố cảng Bandar Abbas của Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/11, một liên minh hải quân do Mỹ đứng đầu đã chính thức khởi động các chiến dịch tại Bahrain nhằm bảo vệ tàu bè qua lại vùng biển "nóng" ở vùng Vịnh sau một loạt vụ tấn công tàu chở dầu thời gian gần đây.

Liên minh nói trên, mang tên Xây dựng An ninh biển (IMSC), đã được thành lập từ tháng Sáu vừa qua, với mục đích "loại bỏ các mối đe dọa đối với nguồn cung ứng dầu mỏ thế giới."

Bahrain, nơi có căn cứ của Hạm đội 5 Hải quân Mỹ, đã tham gia IMSC vào tháng Tám. Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) gia nhập từ tháng Chín. Australia và Anh cũng đã nhất trí cử tàu chiến đến hộ tống tàu bè đi qua vùng Vịnh.

Hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu từ chối tham gia liên minh trên do lo ngại ảnh hưởng đến các nỗ lực của họ nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran. Thành viên mới nhất là Albania đã gia nhập từ ngày 1/11 vừa qua.

Theo kế hoạch, các tàu sẽ được hộ tống đi qua Eo biển Hormuz, điểm "nút cổ chai" chiến lược trước khi vào vùng Vịnh và cũng là tuyến huyết mạch chính của hoạt động vận tải dầu mỏ của Trung Đông.

Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Trung Đông, Phó Đô đốc Jim Malloy cho biết "Chiến dịch Canh gác" là một biện pháp phòng vệ nhằm bảo vệ biển tại vùng Vịnh.

[UAE tham gia liên minh an ninh hàng hải quốc tế do Mỹ dẫn đầu]

Phát biểu trong một buổi lễ tại trung tâm chỉ huy IMSC, Phó Đô đốc Jim Malloy thông báo: "Chúng tôi sử dụng các tàu tuần tra, nhưng không có nỗ lực tấn công nào trong chiến dịch này ngoài cam kết bảo vệ các tàu khác khi bị tấn công."

Ông cũng cho biết thêm rằng cam kết của IMSC sẽ kéo dài và liên minh này sẽ hoạt động "lâu chừng nào còn cần thiết, khi các mối đe dọa vẫn còn."

Liên minh IMSC được lập ra sau một loạt vụ tấn công tàu chở dầu thời gian gần đây, mà Washington và các đồng minh đổ lỗi cho Iran.

Tehran bác bỏ mọi cáo buộc dính líu đến các vụ tấn công bí hiểm nói trên và đã đưa ra các đề xuất của mình nhằm tăng cường an ninh vùng Vịnh mà không cần sự can dự của các nước ngoài khu vực.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Anh đã hạ mức độ rủi ro an ninh cho các tàu treo cờ Anh đi qua Eo biển Hormuz, hơn một tháng sau khi tàu chở dầu Stena Impero của nước này đã được Iran thả tự do.

Người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết: "Các tàu treo cờ Anh sẽ sớm có thể đi qua Eo biển Hormuz mà không cần lực lượng Hải quân Hoàng gia hộ tống."

Tàu Stena Impero đã bị Lực lượng Cách mạng Hồi giáo Iran bắt giữ hồi tháng Bảy ở eo biển này, hai tuần sau khi Anh bắt giữ một tàu chở dầu của Iran ở khu vực ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar. Tàu Iran đã được thả hồi tháng Tám./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục