Liên minh Dân tộc không dự hòa đàm về xung đột Syria tại Nga

Đánh giá về sự vắng mặt của đại diện SNC, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moskva không quá thất vọng trước quyết định của lực lượng này.
Tình hình tại Syria đang rất phức tạp. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 6/4, cuộc đàm phán giữa đại diện của chính phủ Syria với các đảng phái và nhân vật đối lập nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài hơn 4 năm qua tại quốc gia Trung Đông này đã được khai mạc tại thủ đô Moskva (Nga).

Cũng như cuộc đàm phán lần 1 hồi tháng Giêng vừa qua, nhóm đối lập lớn nhất Syria là Liên minh Dân tộc (SNC) đã từ chối tham dự.

Nguồn tin của hãng tin AFP cho biết, 2 ngày đầu trong 4 ngày đàm phán dành cho các cuộc hội đàm giữa phe đối lập Syria và các nhà trung gian Nga, cuộc gặp giữa các phe xung đột Syria được dự kiến vào ngày 8/4 với nội dung chính là các vấn đề nhân đạo và chương trình nghị sự cụ thể cho các cuộc đàm phán tiếp theo.

Đánh giá về sự vắng mặt của đại diện SNC, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moskva không quá thất vọng trước quyết định của lực lượng này. Ông ghi nhận cuộc họp lần này có sự góp mặt của đông đại diện các nhóm đối lập Syria hơn lần trước, tuy nhiên nhấn mạnh đối thoại nhằm giải quyết xung đột tại Syria cần phải thu hút được đại diện của tất cả các bên tại Syria, chính phủ cũng như phe đối lập. Ngoại trưởng Nga tuyên bố bất kỳ một quyết định nào về nhà nước Syria cũng phải được sự nhất trí của tất cả mọi người dân.

Nga đã khởi động sứ mệnh làm trung gian hòa giải trong xung đột tại Syria từ tháng Chín năm ngoái sau các chuyến thăm của Ngoại trưởng Syria Walid Muallem và nhân vật đối lập có nhiều ảnh hưởng Ahmad Moaz al-Khatib tới Moskva. Hồi tháng Một vừa qua, Moskva đã đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán tham vấn lần thứ nhất giữa các đại diện của chính phủ Syria với các đảng phái và nhân vật đối lập.

Kết thúc vòng đàm phán này, hai bên nhất trí những nguyên tắc chỉ đạo, được gọi là "Nguyên tắc Moskva", trong đó nhấn mạnh duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, chống chủ nghĩa khủng bố, giải quyết xung đột một cách hòa bình và bằng biện pháp chính trị, bác bỏ mọi sự can thiệp của nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục