Liên minh châu Phi AU kỷ niệm 50 năm thành lập

Ngày 25/5, tại Addis Ababa, thủ đô Ethiopia, Liên minh châu Phi (AU) đã long trọng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tổ chức này.
Ngày 25/5, tại Addis Ababa, thủ đô Ethiopia, Liên minh châu Phi (AU) đã long trọng kỷ niệm 50 năm thành lập tổ chức này với sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ 53 nước thành viên và đông đảo đại diện các chính phủ, các tổ chức kinh tế, xã hội quốc tế.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong diễn văn khai mạc "Lễ kỷ niệm Vàng," Thủ tướng Ethiopia đồng thời là Chủ tịch AU Hailemariam Desalegn đã kêu gọi các nhà lãnh đạo châu lục nhìn nhận lại những thành tựu đạt được cũng như những thách thức phải giải quyết nhằm xây dựng những chiến lược phát triển tiếp theo.

Ông Desalegn nhấn mạnh: "Lễ kỷ niệm hôm nay mang ý nghĩa đặc biệt, là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của tổ chức đại diện cho lục địa... Chúng ta cần nhìn nhận lại nhằm rút ra những bài học từ những thành tựu mà chúng ta đã đạt được, những thách thức mà chúng ta phải đối phó để từ đó vạch ra con đường tiến lên phía trước..."

Từ thực tế này, khẩu hiệu "Chủ nghĩa toàn Phi và Chấn hưng châu Phi" đã được lựa chọn để cung cấp cơ sở nhìn vào quá khứ, hiện tại và tương lai.

Nửa thế kỷ trước, ngày 25/5/1963, các nhà lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi đã họp tại Addis Ababa để thành lập Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU) với mục tiêu thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất và tăng cường hợp tác khu vực nhằm cải thiện điều kiện sống của người dân.

Trong bối cảnh trật tự toàn cầu thay đổi và sự cần thiết đẩy nhanh tiến trình hội nhập, Hội nghị thượng đỉnh OAU ở thủ đô Lomé của Togo ngày 11/7/2000 đã quyết định đổi tên tổ chức này thành Liên minh châu Phi (AU).

Với chức năng và nhiệm vụ mới, AU đã không còn bị ràng buộc bởi chính sách không can thiệp vào công việc của các nước thành viên. Hơn 10 năm qua, tổ chức này đã xử lý nhiều cuộc khủng hoảng, góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình và an ninh trong châu lục.

Trong 50 năm qua, bên cạnh thành tựu to lớn là thúc đẩy quá trình giải phóng hoàn toàn châu Phi, OAU/AU còn đóng vai trò quan trọng trong những phát triển về chính trị và kinh tế-xã hội trên châu lục, với nhiều bước tiến trong mục tiêu thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, tăng cường hòa bình và an ninh, thúc đẩy kinh tế và cải thiện hệ thống y tế, giáo dục...

Trên tinh thần "Chủ nghĩa toàn Phi và Chấn hưng châu Phi," các nhà lãnh đạo châu Phi và các tổ chức quốc tế đã tập trung thảo luận về con đường phía trước của châu Phi, với mục tiêu "xây dựng một châu Phi không còn đói nghèo và xung đột, trong đó mọi người dân được hưởng mức thu nhập trung bình."

Phát biểu tại buổi lễ, tiến sỹ Nkoazana Dlamini Zuma, Chủ tịch Ủy ban AU, đã kêu gọi các nước thành viên xây dựng các chiến lược phát triển dài hạn cho châu lục, trong đó khẩn trương thiết lập những khu vực mậu dịch tự do và hướng tới một thị trường chung châu Phi, tăng cường sức mạnh 5 khu vực của châu lục thông qua việc xây dựng các khối trong Liên minh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự do đi lại của người dân.

Được gọi là "Ngày châu Phi," ngày thành lập OAU/AU được tổ chức rộng rãi hàng năm không chỉ ở châu Phi mà còn trong các cộng đồng người Phi ở hải ngoại và các tổ chức quốc tế.

Tiếp sau lễ kỷ niệm tưng bừng này là phần chính thức kéo dài hai ngày của Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 21, khi các nhà lãnh đạo các nước thành viên tập trung bàn biện pháp giải quyết các vấn đề trong khu vực./.


(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục