Liên minh châu Âu vẫn quyết tâm giữ Hy Lạp trong Eurozone

Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijssebloem khẳng định "cánh cửa" luôn mở với Hy Lạp nếu nước này muốn chấp nhận các yêu cầu từ phía chủ nợ.
Bộ trưởng Tài chính, Kinh tế và Thương mại Pháp Michel Sapin (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis trước cuộc họp vào ngày 25/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc thảo luận cứu Hy Lạp khỏi nguy cơ phá sản tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/6 ở Brussels (Bỉ) đã đặt ra phương châm Hy Lạp phải ở lại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đồng thời phải tiến hành cải cách cơ cấu theo yêu cầu của chủ nợ.

Hội nghị đã không ra quyết định thực tiễn nào về danh mục cải cách mà Athens có nghĩa vụ tiến hành.

Trước đó cũng tại Brussels, cuộc họp lần thứ 4 trong vòng 1 tuần của các bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng euro (Eurogroup) đã kết thúc mà chưa đạt được đồng thuận về Hy Lạp.

Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijssebloem xác nhận vẫn còn rất nhiều bất đồng giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế. Các đề xuất mới nhất được Athens đệ trình quá muộn, gần như ngay trước cuộc họp, khiến các chủ nợ không đủ thời gian để đánh giá.

Ông Dijssebloem cũng khẳng định "cánh cửa" luôn mở với Hy Lạp nếu nước này muốn chấp nhận các yêu cầu từ phía chủ nợ.

Ông cũng cho biết cuộc gặp tiếp theo giữa Athens và Eurogroup được dự kiến vào ngày 27/6 chính là nhằm tổng kết lại những đánh giá này.

Trong lúc này, nguồn tin bên lề hội nghị cho biết có một số nước EU đã nghi ngờ khả năng Hy Lạp đạt thỏa thuận trước thời hạn 30/6 và đề xuất bắt đầu xem xét "phương án B" cho trường hợp Hy Lạp phá sản và ra khỏi Eurozone.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, đàm phán giải ngân khoản cứu trợ cuối 7,2 tỷ euro cho Hy Lạp bế tắc do nước này không chấp nhận các yêu cầu cải cách ngặt nghèo của các chủ nợ.

Nếu không được nhận khoản tiền này, Athens sẽ buộc phải tuyên bố phá sản từ ngày 1/7 do không có tiền trả nợ 1,6 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 30/6.

Khi chỉ còn 4 ngày nữa là đến thời hạn cuối cùng thì ngay cả với kết quả tích cực trong đàm phán, các định chế tài chính cũng rất eo hẹp thời gian để tiến hành thủ tục giải ngân.

Trong trường hợp đó IMF sẽ buộc phải hoãn kỹ thuật việc thanh toán một phần nợ, tuy nhiên chắc chắn sẽ yêu cầu có cam kết rõ ràng từ phía Hy Lạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục