Các nhà trồng cam Nam Phi đang “đứng ngồi không yên” khi hàng triệu thùng cam có nguy cơ bị hỏng trong các container do không thể nhập khẩu vào Liên minh châu (EU) trong bối cảnh bất đồng giữa EU và Nam Phi gia tăng liên quan đến các quy định nhập khẩu mới.
Hồi tháng Bảy vừa qua, Nam Phi, nhà xuất khẩu cam quýt tươi lớn thứ hai thế giới sau Tây Ban Nha, đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi EU ban hành các quy định mới về an toàn sức khỏe và cây trồng mà Nam Phi cho rằng đe dọa đến ngành trồng và sản xuất cam tươi.
EU cho rằng các quy định mới của khối nhằm ngăn chặn sự lây lan một loài côn trùng có tên là sâu bướm giả có nguồn gốc từ vùng Nam sa mạc Sahara châu Phi. Loài côn trùng này ăn các loại trái cây có múi như cam, bưởi.
Quy định mới yêu cầu người trồng cam tại Nam Phi áp dụng phương pháp xử lý ở nhiệt độ cực thấp đối với cam tươi xuất khẩu đi châu Âu và bảo quản loại trái cây này ở nhiệt độ 2 độ C hoặc thấp hơn trong vòng 25 ngày.
Tuy nhiên, Hiệp hội những người trồng cây có múi Nam Phi (CGD) cho rằng biện pháp này là không cần thiết vì người trồng cam tại Nam Phi có cách thức riêng ngăn chặn sâu bệnh.
Trong đơn kiện, Nam Phi lập luận rằng các yêu cầu của EU "không dựa trên cơ sở khoa học," mang tính hạn chế hơn mức cần thiết và phân biệt đối xử. Những người trồng cam Nam Phi nhấn mạnh những yêu cầu mới gây cản trở đối với ngành vốn đang gặp khó khăn.
[WTO: Các nước không nên đình chỉ hoạt động xuất khẩu thực phẩm]
Giám đốc điều hành CGA Justin Chadwick cho rằng điều này là thảm họa và người trồng cam Nam Phi không thể đáp ứng nhanh chóng những tiêu chuẩn mới này.
Những quy định mới có hiệu lực vào tháng Bảy trong bối cảnh ngành trồng cam tại Nam Phi đang vào mùa thu hoạch. Những bất đồng về quy tắc nhập khẩu giữa hai bên đã khiến lượng lớn cam tươi Nam Phi không thể nhập khẩu vào các nước châu Âu.
Ước tính khoảng 3,2 triệu thùng cam với tổng giá trị 605 triệu rand (36 triệu USD) không đáp ứng tiêu chuẩn mới của châu Âu và bị kẹt tại các cảng tại châu lục này./.