Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có nhiều động thái nhằm hiện thực hóa chủ trương khôi phục quan hệ với các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương, thông qua hàng loạt cuộc điện đàm với những người đồng cấp ở Liên minh châu Âu (EU) cũng như hàng loạt hoạt động ngoại giao con thoi của giới chức cấp cao trong chính quyền Washington tới châu Âu.
Dẫu vậy, những kết quả thực chất và cụ thể vẫn chưa có gì đáng kể, khiến giới quan sát luôn đặt dấu hỏi về khả năng khôi phục quan hệ đồng minh Mỹ-EU.
Trên thực tế, các nước EU đến nay vẫn trông đợi những động thái tích cực hơn từ Tổng thống Biden nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ song phương và Hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ diễn ra ngày 15/6 là một trong những sự kiện nhận được kỳ vọng lớn từ các bên.
Hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ nằm trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Joe Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ. Ngay từ hồi cuối tháng Tư, truyền thông Mỹ và quốc tế đã đồng loạt đưa tin về kế hoạch công du này, với hàng loạt dự báo về triển vọng quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu.
Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng, tác động không nhỏ đến cục diện chính trị quốc tế, việc EU và Mỹ thắt chặt quan hệ đồng minh và tăng cường hợp tác nhằm đối phó với đại dịch nguy hiểm này nói riêng và xử lý các vấn đề toàn cầu khác sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực.
Hơn nữa, khi tình hình thế giới trong vài năm trở lại đây có những chuyển động nhanh chóng và khó lường, cán cân quyền lực đã thay đổi và cạnh tranh chiến lược toàn cầu ngày càng trở nên gay gắt, việc khôi phục mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương có ý nghĩa quan trọng.
Ngoài ra, đối với Mỹ, EU là một thị trường và một khối thương mại có tiềm lực kinh tế lớn, tác động đáng kể đến cuộc sống của người Mỹ hơn các tổ chức đa phương khác.
Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến chính quyền Tổng thống Biden coi EU là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại cả ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo các lợi ích của Mỹ.
Không nằm ngoài dự đoán, tại hội nghị, hai bên đã thảo luận và đi đến thống nhất về hàng loạt vấn đề, từ đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu đến các vấn đề liên quan tới Nga, Trung Quốc và Iran… Trong đó, kết quả được dư luận quan tâm nhất là việc EU và Mỹ giải quyết tranh chấp 17 năm liên quan tới hai tập đoàn chế tạo máy bay Airbus và Boeing.
Hai bên đã đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt tranh chấp về trợ cấp của chính phủ cho các nhà sản xuất máy bay thương mại hàng đầu thế giới, nhất trí tạm dừng các mức thuế trong thời gian năm năm. Đây có thể coi là "bước đột phá quan trọng" như đánh giá Tổng thống Biden, giúp hàn gắn sự rạn nứt trong quan hệ với EU trong lĩnh vực thương mại.
Việc EU và Mỹ đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc tranh cãi, áp thuế “ăn miếng chả miếng” suốt 17 năm qua là tín hiệu tích cực cho quan hệ hợp tác song phương dưới thời Tổng thống Biden.
[Liên minh châu Âu và Mỹ đối thoại hạ nhiệt tranh chấp thương mại]
Báo New York Times nhận định thỏa thuận này nhằm giải quyết vướng mắc giữa hai bên trong vấn đề thương mại nói chung và ngành công nghiệp máy bay nói riêng, góp phần hướng Mỹ và EU vào mục tiêu trọng tâm là gia tăng lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc trong ngành công nghiệp máy bay.
Do đó, giới quan sát cho rằng thỏa thuận này đã tạo nên điểm nhấn của hội nghị cũng như chuyến công du của Tổng thống Biden tới châu Âu, khi đây là kết quả cụ thể có tác động xoa dịu những căng thẳng giữa Mỹ và EU về một khía cạnh trong lĩnh vực thương mại, tạo đà cho việc xử lý các vấn đề quan trọng khác. Nói cách khác, thỏa thuận có thể coi như một nhịp cầu vững chắc kết nối mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Kết quả đáng khích lệ tiếp theo là việc hai bên nhất trí thành lập Hội đồng thương mại và công nghệ. Động thái này sẽ giúp cả Mỹ và EU có thể điều phối các vấn đề quan trọng như phát triển chất bán dẫn, nghiên cứu những lĩnh vực mới nổi và đảm bảo chuỗi cung ứng.
Hai bên lưu ý rằng hội đồng này có nhiệm vụ “khởi động” chương trình nghị sự về các vấn đề thương mại và công nghệ, với các mục tiêu tăng cường hợp tác quốc tế về chuỗi cung ứng công nghệ, tăng cường quan hệ đối tác nghiên cứu và phối hợp xây dựng tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, hội đồng sẽ giải quyết sự thiếu hụt linh kiện bán dẫn, vốn đã tác động tiêu cựcnđến các ngành công nghiệp bao gồm cả lĩnh vực ôtô. Căn cứ vào bối cảnh thế giới vẫn phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt linh kiện bán dẫn, kế hoạch này của EU và Mỹ cho thấy quyết tâm của các nước phương Tây trong việc bù đắp và giải quyết nhanh chóng tình trạng này. Qua đó, Mỹ sẽ gia tăng lợi thế trước Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh công nghệ đang ngày càng khốc liệt hiện nay.
Mỹ cũng cam kết phối hợp với EU để đảm bảo an ninh y tế, kích thích phục hồi kinh tế toàn cầu, giải quyết biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác kỹ thuật số và thương mại, tăng cường dân chủ và giải quyết các mối quan tâm về chính sách đối ngoại của hai bên.
Trong chuyến công du tới châu Âu lần này, Tổng thống Biden đặt mục tiêu khôi phục quan hệ với các nhà lãnh đạo EU sau bốn năm căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Sau khi nhận được sự ủng hộ của các đồng minh tại hai hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tại cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo EU, Tổng thống Mỹ đã chứng tỏ quyết tâm hàn gắn quan hệ với châu Âu.
Những đánh giá tích cực của các lãnh đạo EU về Tổng thống Mỹ sau hội nghị cho thấy ông Biden đã thành công với mục tiêu này.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã gọi Tổng thống Biden là “đối tác mà EU có thể tin cậy," bày tỏ rất hài lòng với cam kết của Mỹ cũng như coi đây là bước khởi đầu, hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để thúc đẩy các giá trị chung.
Chuyến công du nước ngoài, tham dự hội nghị G7 ở Anh cũng như hội nghị NATO và EU ở Brussels (Bỉ) đã trở thành diễn đàn để Tổng thống Biden thể hiện cho các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương rằng chính quyền của ông ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thực tâm muốn thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên EU, các đồng minh trong NATO cũng như với Anh.
Nhìn chung, giống như hội nghị thượng đỉnh NATO, cuộc gặp giữa lãnh đạo EU và Tổng thống Biden lần này đã góp phần xóa bỏ những hoài nghi của châu Âu về cam kết của chính quyền Mỹ với các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang đợi ông Biden sẽ cụ thể hóa các cam kết thành hành động cụ thể.
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Biden đã phần nào cải thiện được quan hệ xuyên Đại Tây Dương so với thời cựu Tổng thống Donald Trump và rõ ràng khôi phục quan hệ với các đồng minh phương Tây sẽ là xu hướng chủ đạo trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ trong thời gian tới./.