Liên minh châu Âu và Canada thống nhất về vấn đề vaccine COVID-19

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết EU đã hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng của Canada bằng cách gửi khoảng 16 triệu liều, chiếm 60% tổng số vaccine mà Canada nhận được.
Liên minh châu Âu và Canada thống nhất về vấn đề vaccine COVID-19 ảnh 1Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu và Canada phát biểu tại buổi họp báo. (Nguồn: Bloomberg)

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Canada đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh song phương ngày 15/6 với tuyên bố chung khẳng định ý chí của cả hai bên nhằm phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác "sôi động" trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, chống biến đổi khí hậu hay trong bảo vệ các giá trị dân chủ trên trường quốc tế.

Phát biểu họp báo sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh quan hệ đối tác giữa Canada và EU đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Người đứng đầu chính phủ Canada bày tỏ lạc quan về nỗ lực của hai bên nhằm tạo ra một thế giới sạch hơn, hòa nhập hơn và an toàn hơn đồng thời tiếp tục làm việc cùng nhau để giải quyết những thách thức trước mắt.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhân cơ hội này một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của EU trong việc cho phép xuất khẩu một phần lớn sản phẩm vaccine COVID-19.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết EU đã hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng của Canada bằng cách gửi khoảng 16 triệu liều, chiếm 60% tổng số vaccine mà Canada nhận được.

Canada và EU khẳng định cam kết tiếp cận "phổ cập, bình đẳng và giá cả phải chăng" đối với vaccine, phương pháp điều trị và công cụ chẩn đoán thông qua các nỗ lực đa phương và ACT Accelerator - một tổ chức hợp tác toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đứng đầu.

Tuy nhiên, EU và Canada không đề cập đến việc tạm thời dỡ bỏ các bằng sáng chế vaccine.

[Mỹ-EU ra tuyên bố khẳng định phối hợp chấm dứt đại dịch COVID-19]

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, EU tự tin về triển vọng tìm được sự đồng thuận tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về "con đường thứ ba" do châu Âu thúc đẩy.

Hiện đang có hai đề xuất với WTO từ Ấn Độ và Nam Phi yêu cầu tạm thời dỡ bỏ các bằng sáng chế trong bối cảnh đại dịch và một từ EU.

Theo Chủ tịch EC, các nước đang "chia sẻ cùng một mục tiêu, đó là các năng lực sản xuất có thể nhanh chóng được đưa đến các khu vực đang trong tình trạng khủng hoảng."

Bà von der Leyen cũng khẳng định các giấy phép bắt buộc, theo Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), sẽ giúp đạt được điều này bằng cách hạn chế thù lao của quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh đại dịch và bày tỏ tin tưởng sẽ tìm thấy một văn bản đồng thuận.

Canada và EU nhất trí sẽ bảo vệ sự củng cố của WHO, hệ thống cảnh báo và quyền điều tra. Hai bên đã khởi động đối thoại EU-Canada về sức khỏe để chia sẻ kiến thức chuyên môn tốt hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục