Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/4 đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga, cũng như cấm các tàu, thuyền của Nga cập bến các cảng của liên minh này.
Pháp, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU, cho biết biện pháp này thuộc vòng trừng phạt thứ 5 của EU nhằm vào Nga sau chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.
Gói trừng phạt này cũng có lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa trị giá 10 tỷ euro cho Nga, trong đó có các mặt hàng công nghệ cao, và đóng băng tài sản của một số ngân hàng Nga.
Đây là lần đầu tiên, các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga, lĩnh vực mà EU vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung từ Moskva. Hiện 45% nhu cầu than đá của các nước thành viên EU là nhập khẩu từ Nga, tương đương 4 tỷ euro mỗi năm.
Dự kiến, lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ tháng Tám tới.
[Phương Tây đối mặt với lựa chọn kinh tế khó khăn khi trừng phạt Nga]
Ngoài ra, EU cũng đang mở rộng các mặt hàng cấm nhập khẩu từ Nga, trong đó có nguyên liệu thô và thiết bị quan trọng, ước tính trị giá 5,5 tỷ euro mỗi năm.
Hiện các lái xe tải Nga và Belarus đang bị cấm hoạt động tại EU. EU cũng mở rộng danh sách "đen," thêm 200 cá nhân của Nga vào danh sách trừng phạt.
Nhật Bản giảm dần sự phụ thuộc vào than đá từ Nga
Ngày 8/4, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết nước này sẽ dần hủy bỏ việc nhập khẩu than đá từ Nga. Đây là một trong những biện pháp trừng phạt của Tokyo nhằm vào Moskva liên quan vấn đề Ukraine, cùng với các nước khác trong Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7).
Bộ trưởng Hagiuda nhấn mạnh Nhật Bản sẽ giảm dần lượng than đá nhập khẩu từ Nga và tiến tới giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu này của Moskva thông qua việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo và điện hạt nhân.
Theo Bộ trưởng Hagiuda, trước mắt, Tokyo sẽ tìm kiếm các nhà cung cấp than đá thay thế cho Nga.
Hiện than đá của Nga chiếm khoảng 13% trong tổng khối lượng than đá mà Nhật Bản nhập khẩu để sản xuất điện. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn nhập khẩu khí đốt và dầu mỏ của Nga để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, Tokyo đã quyết định giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng này trong bối cảnh các nước phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt lên Nga sau khi Moskva thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Các nhà lãnh đạo các nước thành viên G7 (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ) đã cam kết thúc đẩy kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga bằng cách loại bỏ dần và cấm nhập khẩu than đá của Nga./.