Liên minh châu Âu siết chặt quy định về rác thải thực phẩm và dệt may

Đề xuất của EP đặt ra các nghĩa vụ mới đối với lĩnh vực dệt may nhằm buộc các công ty có sản phẩm dệt may bán ra thị trường phải chịu trách nhiệm về toàn bộ vòng đời của sản phẩm.
Một cửa hàng thời trang Maazi ở thành phố A Coruna, phía bắc Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters)

Ngày 13/3, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua các đề xuất nhằm ngăn chặn và giảm thiểu hiệu quả rác thải thực phẩm và dệt may trên toàn Liên minh châu Âu (EU).

Tại phiên họp toàn thể diễn ra ở Strasbourg (Pháp), các nghị sỹ EP đã thông qua lập trường về đề xuất sửa đổi Chỉ thị về chất thải dệt may và thực phẩm với 514 phiếu thuận, 20 phiếu chống và 91 phiếu trắng.

Đề xuất này nhằm giảm lượng rác thải thực phẩm từ nay đến năm 2030, đồng thời siết chặt các quy định về rác thải dệt may liên quan ngành công nghiệp “thời trang nhanh.”

Các nước thành viên được yêu cầu nỗ lực thực hiện các mục tiêu mang tính ràng buộc và tham vọng hơn từ nay đến năm 2030: giảm ít nhất 20% lượng rác thải trong trong khâu chế biến/sản xuất thực phẩm và giảm 40% lượng rác thải trong các chuỗi bán lẻ, nhà hàng, dịch vụ thực phẩm hay các hộ gia đình.

Ngoài ra, EP còn xem xét thêm và yêu cầu EC đánh giá về khả năng đưa ra các mục tiêu cao hơn (lần lượt ít nhất 30% và 50%) cho năm 2035.

Ngoài ra, đề xuất trên cũng đặt ra các nghĩa vụ mới đối với lĩnh vực dệt may, với việc đề nghị thiết lập các chương trình mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) nhằm buộc các công ty có các sản phẩm dệt may bán ra thị trường phải chịu trách nhiệm về toàn bộ vòng đời của sản phẩm.

Các nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm thu thập, phân loại và tái chế quần áo cũng như mọi vật dụng từ thảm đến nệm, dựa trên trách nhiệm của các quốc gia thành viên.

Sau khi EP thông qua lập trường về đề xuất trên, các cuộc đàm phán với các nước thành viên EU sẽ do nghị viện mới phụ trách. Dự kiến, bầu cử EP sẽ diễn ra vào tháng Sáu tới.

Ước tính 27 quốc gia thành viên EU tạo ra 60 triệu tấn rác thải thực phẩm mỗi năm, tương đương với 131 kg/người, gây thiệt hại khoảng 132 tỷ euro (144 tỷ USD) cho nền kinh tế.

Trong khi đó, mỗi năm lại có 12,6 triệu tấn rác thải trong ngành dệt may tại EU. Xét trên toàn cầu, chưa đến 1% lượng rác thải dệt may được tái chế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục