Ngay sau khi đảng Bảo thủ của Anh do Thủ tướng David Cameron dẫn đầu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, người phát ngôn Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 8/5 tuyên bố EC muốn "hợp tác mang tính xây dựng" với Anh liên quan các chương trình cải cách mà London muốn Liên minh châu Âu (EU) thực hiện.
EC cho biết đã sẵn sàng các cuộc thảo luận với Anh về khả năng cải tổ các hiệp ước của châu Âu. Brussel cũng bày tỏ mong muốn phía London sớm đưa ra những đề nghị cải cách cụ thể.
Mục tiêu của ông Junker là một thỏa thuận công bằng với Anh, song yếu tố nền tảng của khối là sự tự do lưu chuyển người, hàng hóa, dịch vụ và vốn không thể đem ra đàm phán.
Tuy nhiên, những thay đổi trong hiệp ước châu Âu là điều không đơn giản bởi bất kỳ sự điều chỉnh nào đều phải được cả 28 nước của khối thông qua.
Nhiều lãnh đạo chủ chốt của EU cũng cảnh báo sẽ có "giới hạn đỏ" trong việc đàm phán với Anh, khối muốn giữ Anh ở lại trong EU nhưng không phải bằng mọi giá.
Trước thềm cuộc bầu cử, ông Cameron đã cam kết trước cử tri Anh sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2017 về việc "đi hay ở lại EU."
Trước đó, ông cũng tuyên bố muốn đàm phán lại những điều kiện về việc Anh tiếp tục là thành viên của EU. Mục tiêu của ông Cameron là đạt được một thỏa thuận có lợi hơn cho Anh nếu ở lại EU. Trên thực tế, Anh đã được hưởng rất nhiều ưu đãi ngoại lệ mà EU đã dành riêng cho nước này, trong đó có việc cho phép Anh được giảm một số khoản đóng góp.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Phòng công nghiệp và thương mại Đức (DIHK) Volker Treier cũng đưa ra cảnh báo những nguy cơ nếu Anh rời khỏi EU.
Theo ông Traier, sự ra đi của Anh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến EU, đồng thời phá vỡ môi trường cạnh tranh công bằng và tự do thương mại của khu vực châu Âu. Về phía Anh, nước này sẽ mất đi vị thế trên trường quốc tế và phải đàm phán lại với EU một loạt các hiệp định thuế và thương mại./.