Liên minh châu Âu nỗ lực tìm tiếng nói chung về vấn đề thuế toàn cầu

Một số quốc gia EU như Ireland, Luxembourg, Ba Lan và Hungary vẫn chưa hoàn toàn nhất trí với đề xuất thuế toàn cầu và các nước này áp dụng mức thuế thấp để thu hút công ty đa quốc gia.
Liên minh châu Âu nỗ lực tìm tiếng nói chung về vấn đề thuế toàn cầu ảnh 1(Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Ngày 17/6, các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày tại Luxembourg để tìm tiếng nói chung về vấn đề thuế toàn cầu, trong bối cảnh các quốc gia đánh thuế thấp như Ireland và Hungary chưa hoàn toàn nhất trí với kế hoạch này.

Trong tháng Bảy tới, các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ họp tại Venice (Italy) để nhất trí các nội dung cơ bản của các quy định đánh thuế mới trên phạm vi toàn cầu, trong đó bao gồm một quy định về mức thuế tối thiểu dành cho những công ty lớn nhất thế giới.

Hiện một số quốc gia EU như Ireland, Luxembourg, Ba Lan và Hungary vẫn chưa hoàn toàn nhất trí với đề xuất. Đây là những quốc gia áp dụng các mức thuế thấp để thu hút các công ty đa quốc gia đến hoạt động.

Phát biểu khi đến Luxembourg tham gia cuộc họp với những người đồng cấp EU, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết còn một số quốc gia chưa đồng thuận với đề xuất trên và cách tốt nhất là cùng ngồi xuống và thảo luận để thuyết phục những nước này.

Ông Le Maire cũng cho biết sẽ thảo luận riêng với Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe và đến Ba Lan trong ngày 20/6 để thuyết phục người đồng cấp nước này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cho biết quốc gia này hiểu rằng tình hình đang thay đổi và mong muốn là một phần trong sự thay đổi đó.

Tuy nhiên, so với các thành viên EU lớn hơn, Ireland không có lợi thế về quy mô và vị trí địa lý nên với nước này, các biện pháp thuế là một thế mạnh cạnh tranh.

Hiện mức thuế toàn cầu tối thiểu đề xuất cho các công ty là 15% trong khi Ireland đang duy trì thuế doanh nghiệp ở mức 12,5%. Quốc gia này là nơi nhiều công ty công nghệ lớn như Facebook, Google và Apple đặt trụ sở điều phối hoạt động tại EU.

[Bước tiến quan trọng hướng đến một hiệp định thuế toàn cầu]

Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Donohoe ước tính nếu các quy định mới được triển khai, Ireland sẽ mất 20% nguồn thu thuế doanh nghiệp.

Sau khi được G20 ủng hộ, đề xuất trên sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận trong nhóm 139 thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) để được thông qua.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết trong những năm qua các nước đã nỗ lực để đạt đồng thuận và đang tiếp tục nỗ lực để thỏa thuận này cuối cùng sẽ được triển khai, giúp thay đổi những thông lệ cũ.

Trước đó, ngày 13/6, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Anh, các nhà lãnh đạo G7 đã thông qua một thỏa thuận thúc đẩy kế hoạch áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% với mục đích giải quyết tình trạng trốn thuế và tạo bình đẳng về thuế giữa các nước.

G7 gọi đây là một bước đi quan trọng hướng tới một hệ thống thuế công bằng hơn, phù hợp với thế kỷ XIX, chấm dứt cuộc chạy đua đánh thuế rất thấp kéo dài suốt 40 năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục