Liên minh châu Âu hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2019

Ủy ban châu Âu (EC) dự báo kinh tế Eurozone sẽ chỉ tăng trưởng 1,1% trong năm 2019, giảm so với mức dự báo tăng 1,2% được đưa ra hồi tháng Bảy.
Người dân chọn mua hàng hóa tại siêu thị ở Toulouse, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/11, Liên minh châu Âu (EU) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế vốn đã thấp của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm 2019, làm gia tăng sức ép đối với Đức và các nước giàu khác phải tăng chi tiêu nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của khu vực này.

Ủy ban châu Âu (EC) dự báo kinh tế Eurozone sẽ chỉ tăng trưởng 1,1% trong năm 2019, giảm so với mức dự báo tăng 1,2% được đưa ra hồi tháng Bảy.

Theo EC - ủy ban giám sát chặt chẽ việc chi tiêu công của 28 nước thành viên EU, kinh tế Eurozone sẽ phục hồi yếu lên 1,2% trong năm 2020 và năm 2021.

Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho rằng kinh tế châu Âu đã duy trì tăng trưởng bất chấp môi trường bên ngoài kém thuận lợi.

Tuy nhiên, ông lưu ý kinh tế khu vực có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong tương lai, đó là một giai đoạn bất ổn nghiêm trọng liên quan đến các xung đột thương mại, những căng thẳng địa chính trị gia tăng, sự suy yếu của lĩnh vực chế tạo cũng như vấn đề Brexit (nước Anh rời EU).

Liên minh châu Âu cũng cảnh báo tỷ lệ tăng trưởng thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách nhiều nước trong EU, vốn đang trong tình trạng căng thẳng đáng lo ngại.

Đặc biệt, những quốc gia đang gánh chịu nợ công “khổng lồ” như Italy, Hy Lạp và Pháp, có nguy cơ gánh chịu nợ công ngày càng tăng nhanh.

[Kinh tế Eurozone đối mặt với nguy cơ suy giảm trong quý 4]

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), với sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu, đang dẫn đầu một chiến dịch thuyết phục Đức, Hà Lan và nhiều nước thành viên giàu có khác tăng chi tiêu. Tuy nhiên, đến nay những nước này vẫn từ chối lời kêu gọi trên.

Theo EU, nền kinh tế Đức được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 0,4% trong năm nay và 1% năm 2020 và 2021. Đà tăng trưởng thấp này sẽ tác động xấu đến các nền kinh tế khác trong khu vực.

Mặc dù tăng trưởng thấp, song Đức dự kiến sẽ tiếp tục thặng dư ngân sách trong ba năm tới. Với nguồn ngân sách dồi dào, EC tin rằng Đức có thể sẽ chi tiêu nhiều hơn để thúc đẩy kinh tế.

EU cũng dự báo kinh tế Italy sẽ có mức tăng trưởng thấp nhất ở châu Âu trong năm nay, khi nền kinh tế này sẽ chỉ tăng trưởng 0,1%.

Tây Ban Nha sẽ nổi lên là nền kinh tế có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong EU trong năm nay, với tăng trưởng dự kiến đạt 1,9%. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2,3% được đưa ra 4 tháng trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục