Liên minh châu Âu giải ngân Quỹ Brexit cho các nước bị ảnh hưởng

Quỹ Brexit sẽ hỗ trợ các vùng, các lĩnh vực và cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất để trang trải các chi phí phụ trội, đền bù thiệt hại và ứng phó với các tác động tiêu cực khác về KT-XH của Brexit.
Quỹ Brexit của EU được thiết kế để giúp các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Brexit, chẳng hạn như Ireland, Pháp. (Ảnh: GettyImages)

Các chính phủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/9 đã phê chuẩn lần cuối cho gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 5,4 tỷ euro (6,3 tỷ USD) cho các nước thành viên bị ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế của việc Anh rời EU (hay còn gọi là Brexit).

Trong số này, những nước được hưởng nhiều nhất là Pháp và Ireland.

Quỹ trên sẽ hỗ trợ các vùng, các lĩnh vực và cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, để trang trải các chi phí phụ trội, đền bù những thiệt hại và ứng phó với các tác động tiêu cực khác về kinh tế và xã hội trực tiếp của Brexit.

Hội đồng châu Âu ra tuyên bố cho biết quỹ trên sẽ được sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp công và tư nhân phải đối mặt với sự đứt gãy của các dòng thương mại, trong đó có các chi phí mới cho việc kiểm tra hải quan và các thủ tục hành chính.

Tuyên bố nêu rõ việc Anh rời EU đã gây ra một tình huống chưa từng thấy, các nước thành viên sẽ được tự do quyết định hành động tốt nhất với mình để giải quyết các hậu quả tiêu cực, vốn không giống nhau ở từng nước.

[Anh hoãn thực hiện một số quy định kiểm soát nhập khẩu hậu Brexit]

Ireland là thành viên duy nhất của EU có biên giới trên bộ với Vương quốc Anh, nên cũng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nước này sẽ nhận được 1,1 tỷ euro từ quỹ trên nhằm xử lý các hậu quả lớn của cuộc "ly hôn" này.

Trong khi đó, Pháp sẽ nhận được 735 triệu euro do nghề đánh cá của nước này bị ảnh hưởng vì giảm 25% khả năng tiếp cận với các vùng biển của Anh.

Trước đó, ngày 24/12/2020, London và Brussels đã đạt một thỏa thuận thương mại hậu Brexit vào phút chót nhằm đảm bảo không đánh thuế đối với hầu hết hàng hóa của nhau. Nhưng các quy định hải quan mới đã tạo ra những chi phí bổ sung và nhiều loại giấy tờ đối với các công ty của hai bên.

Chính phủ Anh cũng đã áp dụng các chương trình hỗ trợ của mình cho các công ty nước này bị ảnh hưởng của "cú sốc" rời EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục