Ủy viên phụ trách Năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Günter Oettinger cho biết EU đang phác thảo các kịch bản khủng hoảng trong trường hợp Nga ngừng cung cấp khí đốt cho tổ chức này.
Trong bài trả lời phỏng vấn dành cho báo Bild của Đức số ra mới đây, ông Oettinger bày tỏ tin tưởng rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không biến việc cung cấp khí đốt thành "công cụ chính trị của mình," đặc biệt trong bối cảnh có 6 nước thành viên EU phụ thuộc 100% vào nguồn cung khí đốt từ Nga, 4 nước trong số này nhận khí đốt trực tiếp từ Nga, không qua lãnh thổ Ukraine.
Theo ông Oettinger, việc ngừng vận chuyển khí đốt là nguy cơ lớn nhất có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có khả năng các đường ống dẫn dầu bị tấn công.
Trong trường hợp đó, EU cần cung cấp khí đốt ngược cho các nước bị cắt nguồn cung năng lượng này. Ông Oettinger nhấn mạnh nếu cần thiết, EU sẽ đảm nhận việc đảm bảo khí đốt cho Ukraine bởi các cơ sở dự trữ khí đốt của nước này hiện chỉ đảm bảo được một nửa nhu cầu sử dụng cho mùa Đông tới.
Ông Oettinger cho rằng cuộc gặp ngày 26/8 tại thủ đô Minsk của Belarus giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko là dấu hiệu tốt đẹp. Ông Oettinger kêu gọi Nga ngừng các hoạt động mà EU cho là hậu thuẫn lực lượng đòi liên bang hóa ở miền Đông Ukraine; đổi lại Kiev cần ân xá cho những người chưa gây tội ác thuộc lực lượng này đang bị phía Kiev bắt giữ.
Liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Anh "Daily Telegraph" cùng ngày trên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng để đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine cần một cuộc đối thoại rộng lớn với sự tham gia của tất cả các khu vực và lực lượng chính trị ở nước này.
Ông Lavrov khẳng định quan điểm của Mỹ và EU đang cản trở một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh lãnh đạo EU không phản đối việc quay lại thỏa thuận Geneva đạt được từ tháng 4 vừa qua về bình ổn tình hình Ukraine.
Ông Lavrov kêu gọi Kiev từ bỏ ảo vọng rằng có thể vượt qua cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay bằng cách chống lại chính người dân của mình, đồng thời tỏ ý lấy làm tiếc về việc Mỹ và EU tiếp tục ủng hộ mọi hành động của Kiev.
Bình luận về việc Nga cấm nhập khẩu thực phẩm từ phương Tây, ông Lavrov cho rằng biện pháp này là cần thiết và tương ứng với các hình thức trừng phạt của Mỹ và EU chống Moskva. Ông bày tỏ hy vọng trong tương lai gần, phương Tây sẽ thay đổi quan điểm, chính sách để hình thành mối quan hệ xây dựng với Nga.
Ông nhấn mạnh sự đáp lại của Nga đối với các bước đi đơn phương của Mỹ, EU và một số nước khác là cân bằng, có tính tới quyền và nghĩa vụ của Moskva theo các hiệp định quốc tế./.