Liên minh châu Âu đề nghị NATO hỗ trợ Phái bộ hải quân tại Libya

EU đề nghị NATO hỗ trợ Phái bộ hải quân tại Libya sau khi một tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn sứ mệnh của phái bộ hải quân EU kiểm tra việc thực thi lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Libya.
Liên minh châu Âu đề nghị NATO hỗ trợ Phái bộ hải quân tại Libya ảnh 1Thổ Nhĩ Kỳ phản đối một tàu Hy Lạp thuộc phái bộ hải quân EU kiểm tra một tàu vận tải của Thổ Nhĩ Kỳ nghi vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Libya. (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/6 đã đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ Phái bộ hải quân của EU thực thi lệnh cấm vận vũ khí tại Libya.

Một quan chức cấp cao của EU cho biết EU đã liên hệ với NATO để tìm kiếm sự phối hợp tạo thuận lợi cho hoạt động của phái bộ hải quân EU đang tiến hành Chiến dịch Irini ở phía Đông Địa Trung Hải.

Đáp lại kêu gọi của EU, một quan chức cấp cao của NATO cho biết các nước thành viên của khối đang thảo luận cách thức hỗ trợ cho chiến dịch Irini, nhằm đảm bảo lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc được thực thi đầy đủ.

Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO sẽ thảo luận tình hình Libya trong một cuộc họp trực tuyến vào tuần tới.

Tuy nhiên, để có thể hỗ trợ chiến dịch Irini trên, NATO cần có sự chấp thuận của tất cả 30 nước thành viên. Đây là vấn đề khó khăn vì Thổ Nhĩ Kỳ có thể phủ quyết.

[Mỹ ủng hộ lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc bảo trợ tại Libya]

EU đưa ra đề nghị trên sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/4 phản đối một tàu Hy Lạp thuộc phái bộ hải quân EU kiểm tra một tàu vận tải của Thổ Nhĩ Kỳ do nghi ngờ vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Libya.

EU triển khai Chiến dịch Irini nhằm ngăn chặn hoạt động cung cấp vũ khí cho Libya trong bối cảnh cuộc xung đột tại quốc gia này đang diễn biến phức tạp.

Trước đây, NATO đã cung cấp thông tin và hỗ trợ hậu cần cho chiến dịch Sophia của EU trong nhiều năm.

Hiện tại, NATO có 2 tàu đang tuần tra trên Địa Trung Hải, trong khuôn khổ các hoạt động bảo vệ biển mà khối này đang thực hiện nhằm giám sát giao thông hàng hải, ngăn chặn các hoạt động khủng bố, cướp biển.

Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi.

Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được LHQ công nhận hiện hoạt động ở thủ đô Tripoli, được các nhóm vũ trang và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, trong khi lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga, Ai Cập hỗ trợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục