Ngày 30/8, đại diện của Ủy ban châu Âu (EC) tại Romania, bà Angela Cristea khẳng định nỗ lực của Bucharest nhằm cải cách toàn diện hệ thống tư pháp của mình có thể hủy hoại các nỗ lực của nước này nhằm bài trừ nạn tham nhũng.
Một trong các cải cách do Bộ trưởng Tư pháp Tudorel Toader khởi xướng hồi tuần trước, có đề xuất Tổng thống Klaus Iohannis không được bổ nhiệm các công tố viên cấp cao, trong đó có những người thuộc Ban Điều hành chống tham nhũng (DNA). Ngoài ra, còn có đề xuất giảm quyền hạn của DNA, không cho phép cơ quan này tiến hành điều tra các quan tòa.
Với những đề xuất này, quan chức châu Âu bày tỏ lo ngại về tính độc lập của cơ quan tư pháp tại Romania.
[Tổng thống Romania và các chính đảng thảo luận về bổ nhiệm thủ tướng]
Romania đã gia nhập Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2007 và trong những năm gần đây đạt tỷ lệ tăng trưởng cao. Tuy nhiên cả Brussels và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều kêu gọi Chính phủ Romania cần nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Tháng 2 vừa qua, sau một làn sóng biểu tình rầm rộ nhất kể từ năm 1989, chính phủ của đảng Xã hội Dân chủ tiền nhiệm đã từ bỏ các kế hoạch bị xem là nới lỏng luật chống tham nhũng. Đảng trung hữu của Tổng thống Iohannis cũng lên án các kế hoạch cải cách hệ thống tư pháp nói trên là "một cuộc tấn công vào luật pháp."
Romania cũng đã chứng kiến làn sóng biểu tình rộng khắp trong cả nước, phản đối ý định của chính phủ nước này triển khai các sắc lệnh miễn truy tố và trả tự do cho một loạt chính trị gia bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản nhà nước.
Trước nguy cơ đất nước rơi vào khủng hoảng chính trị trầm trọng, chính phủ của Thủ tướng Sorin Grindeanu đã buộc phải hủy bỏ sắc lệnh gây nhiều tranh cãi liên quan đến việc miễn truy tố và và trả tự do cho một loạt chính trị gia bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản nhà nước.
Cũng liên quan tới các cuộc cải cách tư pháp gây tranh cãi của các nước thành viên EU, giới chức châu Âu tiếp tục bày tỏ quan ngại rằng luật cải cách của Ba Lan - nhằm cho phép Bộ trưởng Tư pháp đơn phương thay thế chánh án của các tòa án - sẽ làm "xói mòn tính độc lập" của hệ thống tòa án Ba Lan, thậm chí gia tăng mối đe dọa đối với cả liên minh gồm 28 thành viên.
EU đã thông báo tiến hành thủ tục pháp lý chống lại quốc gia Đông Âu này, hành động có thể khiến Ba Lan bị đưa ra Tòa án Công lý châu Âu và có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.
Trước đó, EU cảnh báo Ba Lan có thể bị đình chỉ tư cách thành viên EU, kích hoạt Điều 7 Hiệp ước Lisbon hủy bỏ quyền bỏ phiếu của Ba Lan trong liên minh - một biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ của EU. Ba Lan cho rằng quan điểm của EU về cuộc cải cách trong nước của mình là vô căn cứ./.