Liên minh châu Âu cân nhắc đề xuất mới của Anh về quyền đánh bắt cá

Theo đề xuất mới nhất, Anh sẵn sàng cho phép các tàu của EU giữ lại 2/3 sản lượng đánh bắt được. Phía EU đang cân nhắc một đề xuất mới này.
Liên minh châu Âu cân nhắc đề xuất mới của Anh về quyền đánh bắt cá ảnh 1Tàu đánh cá neo tại cảng ở Scarborough, Đông Bắc nước Anh ngày 21/12/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/12, hãng tin Bloomberg đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc một đề xuất mới của London về quyền đánh bắt cá trong bối cảnh Thủ tướng Anh Boris Johnson nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận thương mại Brexit trước ngày 31/12.

Theo đề xuất mới nhất, Anh sẵn sàng cho phép các tàu của EU giữ lại 2/3 sản lượng đánh bắt được.

Hồi tuần trước, Anh kiên quyết yêu cầu EU phải chấp nhận mức cắt giảm 60% sản lượng.

Trong khi đó, tờ Financial Times đưa tin trong những ngày gần đây, EU đã đề xuất mức cắt giảm 25% trong khoảng thời gian chuyển tiếp 6 năm, song ý kiến này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Pháp, gây ra bất đồng trong nội bộ liên minh.

[Vấn đề Brexit: Thủ tướng Anh thừa nhận còn khoảng cách với EU]

Theo Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, ông Clement Beaune, khẳng định những rào cản lớn liên quan đến quyền đánh bắt cá trong đàm phán Brexit và các đề xuất của Anh liên quan đến vấn đề này vẫn không được Pháp chấp thuận.

Trước đó, Chính phủ Pháp đã khẳng định cam kết với “giới hạn đỏ” mà Paris đặt ra liên quan đến quyền đánh bắt cá của các nước EU trong vùng biển của Anh.

Cùng ngày, Thủ tướng Anh Johnson tuyên bố hiện vẫn còn nhiều vấn đề trong quá trình đàm phán thỏa thuận thương mại hậu Brexit, đồng thời nhấn mạnh rằng nước Anh sẽ phát triển mà không cần thỏa thuận.

Phía Anh cho hay hai bên đang mâu thuẫn trong hai vấn đề chính là quyền đánh bắt cá và cạnh tranh công bằng, đồng thời tái khẳng định hoặc EU phải điều chỉnh hoặc sẽ không có thỏa thuận.

Việc Anh và EU không tiến tới một thỏa thuận thương mại trước ngày 31/12 sẽ gây ra cú sốc lớn cho các thị trường tài chính, phương hại đến các nền kinh tế châu Âu, làm xáo trộn giao thương biên giới và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Việc hai bên cuối cùng "chia tay" mà không có thỏa thuận sẽ đe dọa hoạt động giao thương trị giá hàng nghìn tỷ USD.

EU đã hoàn tất các kế hoạch tạm thời để quản lý hoạt động giao thông đường bộ và đường không trong 6 tháng và hoạt động đánh bắt trong một năm, nhưng cần một thỏa thuận đối ứng từ phía Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục