Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực "không ngừng nghỉ" để tìm ra giải pháp bền vững giải quyết vấn nạn người di cư và buôn bán nô lệ đang diễn ra tại Libya.
Kênh truyền hình CNN của Mỹ đã làm bùng lên làn sóng chỉ trích Libya sau khi kênh truyền hình này tuần trước phát đi những hình ảnh về một cuộc bán đấu giá nô lệ người da đen, trong đó khách mua là những người đến từ Bắc Phi.
Trong bức thư trao đổi với hãng tin AFP của Pháp ngày 24/11, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề người dư cư Dimitris Avramopoulos nói: "Tôi hoàn toàn chia sẻ quan điểm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi ông lên án mạnh mẽ tình trạng buôn bán nô lệ tại Libya và gọi cuộc đấu giá nô lệ này là tội ác chống lại loài người."
Theo ông Avramopoulos, tình trạng này không thể kéo dài và EU đang nỗ lực trong mọi hoàn cảnh, hợp tác với các đối tác quốc tế để tìm ra giải pháp lâu dài cho vấn nạn hiện nay.
Ông cũng khẳng định những giải pháp này phải tuân thủ các giá trị đoàn kết cốt lõi của EU và tôn trọng quyền con người.
Trước đó, ngày 22/11 vừa qua, Pháp cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức họp khẩn liên quan đến việc đối xử với người di cư tại Libya.
Ngoài việc tổ chức cuộc họp trên, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian cho biết Paris cũng đề nghị Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn công bố báo cáo chi tiết về nạn buôn người tại Libya.
Theo ông, chính quyền Libya đã từ chối mở cuộc điều tra về vấn đề này, mặc dù đã nhận được cảnh báo nhiều lần. Nhấn mạnh tính cấp thiết của vấn đề, Ngoại trưởng Pháp đề xuất nếu hệ thống tư pháp Libya không thể tiến hành các thủ tục điều tra, Paris nên áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế đối với quốc gia này.
Về phần mình, Liên minh châu Phi (AU) cũng lên án nạn buôn người di cư châu Phi ở Libya và kêu gọi các nước thành viên hỗ trợ những người tị nạn này.
Chủ tịch AU cho biết ông đã liên lạc với tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu nhằm tìm kiếm giải pháp, thậm chí đưa tất cả các công dân về nước.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini cho biết các cơ quan Liên hợp quốc tại Libya, với sự trợ giúp tài chính của EU, đã giúp được khoảng 10.000 người di cư bị mắc kẹt tình nguyện trở về nước./.