Liên minh châu Âu cải cách thị trường hạn ngạch khí CO2

Hệ thống giao dịch khí phát thải (ETS) của EU sẽ ngừng cấp phép mua bán một phần hạn ngạch khí CO2 nếu lượng hạn ngạch dư thừa "tích lũy" trong hệ thống giao dịch vượt qua một ngưỡng nào đó.
Liên minh châu Âu cải cách thị trường hạn ngạch khí CO2 ảnh 1(Nguồn: Getty Images)

Nghị viện châu Âu (EP) ngày 9/7 đã thông qua kế hoạch cải cách thị trường khí điôxít cácbon (CO2) của Liên minh châu Âu (EU) - một phần quan trọng trong chiến lược của khối này hạn chế khí phát thải gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Theo những cải cách dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2019 thay vì 2021 như Ủy ban châu Âu dự định, Hệ thống giao dịch khí phát thải (ETS) của EU sẽ ngừng cấp phép mua bán một phần hạn ngạch khí CO2 nếu lượng hạn ngạch dư thừa "tích lũy" trong hệ thống giao dịch vượt qua một ngưỡng nào đó. Phần giữ lại này sau đó sẽ được đưa ra mua bán trở lại nếu giá giao dịch tăng lên.

Kế hoạch trên được thông qua với 495 nghị sỹ ủng hộ, 158 người phản đối và 49 người không bỏ phiếu.

Trong một thông cáo báo chí, nghị sỹ người Bỉ Ivo Belet nhấn mạnh kế hoạch cải cách mới nhằm đảm bảo châu Âu đi đúng hướng để đạt tham vọng đến năm 2030 giảm 40% lượng phát thải khí CO2 so với mức phát thải những năm 1990.

Ra đời hồi năm 2005, ETS đã đặt ra mức trần khí phát thải CO2 cho hơn 11.000 nhà máy lớn, nhà máy điện hạt nhân và các doanh nghiệp tại châu Âu. Trong trường hợp thiếu hạn ngạch khí thải, doanh nghiệp có thể mua bán hạn ngạch với nhau, sao cho tổng lượng khí phát thải có thể duy trì trong mức trần cho phép.

Việc phải chi tiền để mua hạn ngạch nếu không muốn bị phạt được coi là biện pháp kích thích doanh nghiệp cải thiện hiệu quả năng lượng hoặc chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính làm chao đảo EU hồi năm 2009, kết hợp với mức trần khí phát thải ETS mà theo các nhà phê bình là còn quá thấp, đã khiến nguồn cung hạn ngạch dư thừa, kéo giá giao dịch hạn ngạch khí CO2 ở EU hiện tại chỉ còn bằng 1/3 so với mức giá khuyến khích.

Điều này khiến các doanh nghiệp không còn phải lo lắng về mức xả khí thải và chi phí để mua hạn ngạch, từ đó sẽ không đầu tư quy mô lớn để hạn chế hoặc giảm các loại khí thải gây ô nhiễm môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục