Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, tối 30/3 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới thủ đô Brussels tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Ấn Độ lần thứ 13 cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini.
Các nhà lãnh đạo hai bên tái khẳng định cam kết tạo động lực mới cho quan hệ song phương EU-Ấn Độ, đề ra Chương trình Hành động năm 2020 như một lộ trình chung để cùng nhau hướng tới tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trong những năm năm tiếp theo, bao gồm một loạt các lĩnh vực hợp tác như chính sách đối ngoại và an ninh, thương mại và đầu tư, kinh tế, các vấn đề toàn cầu…
Lãnh đạo EU và Ấn Độ lên án mạnh mẽ các vụ tấn công khủng bố tại Brussels ngày 22/3 vừa qua. Hai bên khẳng định cam kết duy trì đoàn kết trong cuộc chiến chống lại sự hận thù, bạo lực cực đoan và khủng bố bằng việc thông qua Tuyên bố chung về chống khủng bố nhằm thúc đẩy hợp tác song phương chống chủ nghĩa cực đoan, ngăn chặn các chiến binh khủng bố nước ngoài và chống lại nguồn tài trợ khủng bố và cung cấp vũ khí.
Hai bên quyết định tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác kinh tế EU-Ấn Độ, tập trung vào việc làm, tăng trưởng, công bằng, dân chủ. EU và Ấn Độ cũng thảo luận về việc tiếp tục các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại và Đầu tư song phương (BTIA). EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, chiếm 13% thương mại của Ấn Độ (năm 2015 tổng giá trị thương mại EU-Ấn Độ có hàng đạt 77,5 tỷ euro) và nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Ấn Độ.
EU hoan nghênh sự sẵn sàng của Ấn Độ để thành lập một cơ chế tạo điều kiện cho các nhà đầu tư của tất cả các nước thành viên EU tại Ấn Độ.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng quyết định tăng cường hợp tác chống biến đổi khí hậu, giải quyết những thách thức về môi trường, đồng thời hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và khoa học. Hai bên khuyến khích gia tăng liên kết giữa sáng kiến "Kỹ thuật số Ấn Độ "và "Thị trường kỹ thuật số duy nhất" của EU, thông qua tăng cường hợp tác về an ninh không gian mạng, tiêu chuẩn hóa công nghệ thông tin, quản lý Internet, nghiên cứu và đổi mới.
Lãnh đạo EU coi Ấn Độ là một đối tác chiến lược trong lĩnh vực di cư và di chuyển nhằm ngăn chặn di cư bất thường và nạn buôn bán người, tối đa hóa tác động phát triển của di cư, thúc đẩy bảo vệ quốc tế.
Châu Âu đồng thời bày tỏ mong muốn về tiến trình hòa bình và hòa giải, dẫn đến một môi trường không có bạo lực và khủng bố ở Afghanistan. Các nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Trung Đông hy vọng rằng các cuộc đàm phán trong nội bộ Syria, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, sẽ đảm bảo một sự chuyển tiếp chính trị ở quốc gia này, chấm dứt bạo lực.
EU và Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở miền đông Ukraine thông qua việc thực hiện đầy đủ Hiệp định Minsk, phù hợp với Nghị quyết 2202 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh EU-Ấn Độ, Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) Jonathan Taylor và Đại sứ Ấn Độ tại Bỉ, Luxembourg và EU Manjeev Singh Puri đã ký kết thỏa thuận đầu tư. Theo đó, EIB đầu tư 450 triệu euro xây dựng các tuyến tầu điện ngầm đầu tiên ở Lucknow, thủ phủ của bang Uttar Pradesh, bang đông dân nhất của Ấn Độ.
Một khi đi vào hoạt động, tuyến tàu điện ngầm mới dự kiến sẽ tăng từ 10-27% số người sử dụng các phương tiện giao thông công cộng trong thành phố 3 triệu dân này.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels, ông Richard Willis, tùy viên báo chí của EIB, nhấn mạnh thỏa thuận tín dụng ký kết giữa EIB và Ấn Độ về việc xây dựng tuyến tầu điện ngầm đầu tiên ở Ấn Độ thể hiện mối quan tâm của EU đối với quốc gia châu Á này. Ngân hàng cũng cho biết sẽ mở văn phòng đại diện khu vực Nam Á ở New Delhi vào cuối năm nay. Kể từ năm 1993, EIB đã cung cấp 1,34 tỷ euro cho các dự án đầu tư dài hạn tại Ấn Độ./.