Liên kết trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Nam Trung Bộ-Tây Nguyên

Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nhằm thúc đẩy sự liên kết các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các địa phương, kết nối hệ sinh thái Techfest quốc gia.
Khách tham quan tìm hiểu các sản phẩm ứng dụng công nghệ tại Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Sáng 19/8, tại thành phố Nha Trang, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức khai mạc chương trình Techfest (Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo) vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2022 với chủ đề "Khung trời cửa biển - Sáng tạo bứt phá."

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện Techfest quốc gia năm 2022, được thực hiện lần đầu tiên tại Khánh Hòa với mục đích kiến tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên nói chung, qua đó gắn kết với hệ sinh thái của cả nước và hướng đến toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có những hoạt động bước đầu hỗ trợ cho sự phát triển của hệ sinh thái tại đây, đặc biệt là một số địa phương đã hình thành các hoạt động chuyên sâu như Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên.

Đến nay, trong bối cảnh mới, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quốc gia nói chung và của vùng địa phương nói riêng cũng cần phải xác định được vai trò dẫn dắt, tiên phong và tạo nền tảng một cách vững chắc hơn. Do đó, để phát triển hệ sinh thái một cách bứt phá, cần có sự nỗ lực và phối hợp từ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp khởi nghiệp đến các chủ thể trong hệ sinh thái khác.

[Khởi nghiệp sáng tạo - hiện thực hóa khát vọng đất nước hùng cường]

Những năm tới đây, việc liên kết, hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo ngay tại các trường đại học, viện nghiên cứu sẽ là những trụ cột chính để nâng đỡ, khuyến khích liên kết, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khu vực và quốc gia.

Tăng cường liên kết viện-trường-doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và khai thác, vận dụng có hiệu quả các tài sản trí tuệ sẽ là cốt lõi để hình thành những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có đủ sức mạnh về trí tuệ, nội lực và sức bật để bứt phá trong tương lai.

Về phía tỉnh Khánh Hoà, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết Khánh Hòa kỳ vọng sự kiện này sẽ tạo cú hích bứt phá cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh nhà nói riêng và các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên nói chung; tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến với các tầng lớp nhân dân, góp phần quảng bá các sản phẩm dịch vụ khoa học công nghệ và sản phẩm chủ lực, kết nối sản phẩm đến người tiêu dùng, nhà quản lý, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển, mở rộng thị trường, định hướng phát triển cho các sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời gian tới.

Qua sự kiện thúc đẩy sự liên kết các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các địa phương trong Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đồng thời kết nối với các chủ thể của hệ sinh thái Techfest Quốc gia.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm Khánh Hòa là địa phương có nhiều tiềm năng để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mạnh của vùng, các doanh nghiệp khởi nghiệp nội tại được ươm tạo dựa trên tiền đề là các trường đại học, các viện nghiên cứu đóng tại địa phương.

Đồng thời, đây cũng là địa điểm thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp từ các địa phương khác trong vùng, trong cả nước và thậm chí trên thế giới nhờ sở hữu một môi trường và địa điểm làm việc lý tưởng.

Trong chuỗi sự kiện Techfest "Khung trời cửa biển, sáng tạo bứt phá," Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các địa phương tổ chức các toạ đàm cấp cao như đổi mới sáng tạo mở giải quyết các thách thức phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kinh tế-xã hội tỉnh Khánh Hòa các địa phương khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; mô hình hỗ trợ khởi nghiệp Hàn Quốc, hoạt động hợp tác hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc...

Tại sự kiện thu hút 100 đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu hơn 100 gian hàng với 500 sản phẩm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có các sản phẩm Khoa học và công nghệ, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP tiêu biểu tập trung vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ của các tỉnh trung khu vực.

Trong khuôn khổ của chương trình còn có chuỗi 15 hội thảo chuyên sâu diễn ra trong suốt hai ngày 19 và 20/8 với các chuyên đề như chuyển đổi số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế; công nghệ thực tế ảo; công nghệ trí tuệ nhân tạo; công nghệ truy xuất nguồn gốc; giới thiệu các công cụ và công nghệ mới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Chương trình sẽ tổ chức cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên năm 2022 tại Khánh Hòa. Đây cũng dịp kết nối đầu tư, kết nối thị trường, kết nối cố vấn - chuyển giao công nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục