Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Bắc

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh các tỉnh vùng Đông Bắc cần phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm.
Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Bắc ảnh 1Một góc vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Ngày 20/11, Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Quảng Ninh và 7 tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc) đã diễn ra tại thành phố Hạ Long.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh vùng Đông Bắc cùng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và hàng không đã dự hội nghị.

Đây là hội nghị quan trọng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong việc hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, đồng thời là cơ hội để các tỉnh, thành quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc sắc, mới lạ của địa phương; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, khôi phục ngành du lịch sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát hoàn toàn.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương sự nỗ lực của các tỉnh, thành trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như việc liên kết phát triển du lịch, phát triển kinh tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Bắc cần vừa đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế và đảm bảo môi trường du lịch là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, trách nhiệm.

Các tỉnh vùng Đông Bắc cần phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong GRDP của tỉnh; góp phần quan trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu.

Bên cạnh đó, các tỉnh phát huy tối đa tiềm năng lợi thế đặc trưng về tự nhiên, yếu tố con người, xã hội và lịch sử văn hóa các địa phương và đẩy mạnh liên kết vùng phát triển du lịch; đẩy mạnh du lịch kết hợp công nghệ, số hóa các sản phẩm du lịch...

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc giai đoạn 2020-2025 và thông qua Kế hoạch phối hợp triển khai thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Bắc giai đoạn 2020-2021.

[Du lịch Việt trước thách thức cơ cấu lại để ‘sống sót’ sau COVID-19]

Các thỏa thuận, liên kết tập trung vào việc chia sẻ thông tin để xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch nhằm khai thác hiệu quả nhất các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú tại các tỉnh khu vực Đông Bắc, đặc biệt là quảng bá hình ảnh du lịch và lợi thế cửa ngõ quốc tế và vùng Đông Bắc.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện các hội nghị liên kết với khu vực Tây Bắc, 13 tỉnh, thành phố tại Đồng bằng sông Cửu Long và 5 tỉnh Đông Nam Bộ với mong muốn tạo đột phá mới trong mối liên kết hợp tác giữa các tỉnh trong cả nước về du lịch.

Thông qua hội nghị, các địa phương sẽ hiểu sâu hơn về tiềm năng, lợi thế cũng như định hướng phát triển của địa phương mình. Đồng thời, các địa phương cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch, những cách làm hay để khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên cho rằng cần xây dựng cẩm nang du lịch, ấn phẩm du lịch chung giữa các tỉnh vùng Đông Bắc, phát hành đĩa phim chung du lịch; xây dựng tour, tuyến du lịch chung một cách chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, nâng cao sức cạnh tranh, liên kết giữa các hãng lữ hành, nâng cao cơ sở vật chất của các cơ sở du lịch, phát triển mạnh du lịch cộng đồng; thành lập quỹ phát triển du lịch chung.

Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Bắc ảnh 2Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. (Nguồn: TTXVN)

Theo bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC, các tỉnh vùng Đông Bắc cần có quy hoạch điểm đến du lịch chung, xây dựng trưởng nhóm vùng một cách chuyên nghiệp, định kỳ 6 tháng 1 lần tổ chức hội nghị liên kết xúc tiến du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh khác. Cùng với đó, đẩy mạnh quảng bá, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch đáp ứng nhu cầu du khách.

Bà Kiều Dung kiến nghị các tỉnh có sân bay cần xây dựng tuyến xe buýt đưa đón du khách từ sân bay về khách sạn, về các điểm tham quan, khu du lịch.

Tại Hội nghị, Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Du lịch các tỉnh Đông Bắc đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với các hãng hàng không.

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết Thỏa thuận hợp tác du lịch với các tỉnh vùng Đông Bắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục