Liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với miền Trung

Năm 2021, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của 7 tỉnh, thành phố trong nhóm liên kết đạt 17,685 triệu lượt; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 63.073 tỷ đồng.
Du khách nước ngoài tham gia trên tuyến phố đi bộ Hồ Gươm. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Sáng 8/8, tại xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (tỉnh Thừa Thiên-Huế, thành phố Đà Nẵng, các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định).

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả hợp tác trong 2 năm qua giữa các tỉnh, thành phố, các hiệp hội và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy liên kết phát triển du lịch liên vùng Bắc-Trung-Nam.

[Hà Nội thu gần 32.000 tỷ đồng từ khách du lịch trong 7 tháng]

Qua đó, tiếp tục triển khai sáng kiến hợp tác để đẩy mạnh phát triển du lịch các tỉnh, thành phố trong nhóm liên kết, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển du lịch bền vững, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội sau đại dịch.

Theo báo cáo sơ kết công tác thực hiện thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, qua 2 năm triển khai, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, song, các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai, trao đổi thông tin, liên kết xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương.

Các tỉnh, thành phố đã khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú; phát huy lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, tăng tỷ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách.

Năm 2021, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của 7 tỉnh, thành phố trong nhóm liên kết đạt 17,685 triệu lượt; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 63.073 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, với các chính sách mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch, kết quả hoạt động kinh doanh du lịch đã có những diễn biến tích cực.

Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 32,917 triệu lượt, trong đó có gần 1 triệu lượt khách quốc tế. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 87.892 tỷ đồng.

Kết quả đạt được rất đáng khích lệ, đã thực hiện thành công mục tiêu tăng tỷ lệ khách du lịch, góp phần phục hồi và phát triển ngành Du lịch sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại một số hạn chế, như: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên một số nội dung trong kế hoạch liên kết chưa thể triển khai. Một số nội dung triển khai nhưng chưa đạt được kết quả.

Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giữa các địa phương còn chưa có sự liên kết, mang tính thường xuyên, liên tục. Chưa có kế hoạch tuyên truyền, quảng bá chung xuyên suốt theo từng năm.

Chưa tạo được sản phẩm du lịch chung, đặc sắc, mang thương hiệu riêng. Các hoạt động liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch đôi khi còn có sự chồng chéo...

Hội nghị đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2022-2025, cụ thể: Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, đóng góp sáng kiến xây dựng sản phẩm du lịch, phối hợp quản lý hoạt động thông qua zalo nhóm các cơ quan quản lý du lịch, Hiệp hội du lịch của các địa phương liên kết; phối hợp với hãng hàng không xây dựng phương án kết nối và tổ chức tour, chương trình, combo du lịch mang tính chất trọn gói, khép kín, an toàn giữa 7 địa phương; hợp tác tổ chức chương trình kích cầu du lịch nội địa.

Đặc biệt, tiếp tục vận động doanh nghiệp kinh doanh lữ hành du lịch tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tổ chức các tour đưa khách đến thị trường thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại…

Sau gần 2 năm đóng cửa vì dịch COVID-19, du khách từ khắp nơi lại đổ về phố cổ Hội An (Quảng Nam). (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho rằng những kết quả đạt được là rất quan trọng, góp phần phục hồi, phát triển ngành Du lịch sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh tỉnh Quảng Ngãi cùng các tỉnh, thành phố sẽ nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường du lịch, hướng đến du lịch xanh và phát triển bền vững, xây dựng hệ thống du lịch thông minh, đẩy mạnh tính liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng.

Các tỉnh, thành phố phát huy giá trị văn hóa di sản, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường nhằm tạo bước đột phá mới, chuyển từ phát triển du lịch từng địa phương sang phát triển du lịch vùng bền vững; kỳ vọng “Dòng chảy tinh hoa” sẽ là định vị thương hiệu du lịch chung cho toàn vùng trong thời gian tới.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, các địa phương và một số doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã phát biểu tham luận, đưa ra định hướng, giải pháp mạnh mẽ, đột phá để các địa phương, vùng kinh tế khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mình trong liên kết phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Dịp này, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố đã thống nhất ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác, khai thác sản phẩm du lịch.

Ban tổ chức đã trao biểu trưng cho tỉnh Bình Định, đơn vị đăng cai tổ chức Tổng kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục