Liên kết để phát triển du lịch Bắc miền Trung

Có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc với ưu thế nổi trội về phát triển du lịch biển, đảo và du lịch văn hóa lịch sử nhưng các tỉnh Bắc miền Trung vẫn chưa tìm ra một mô hình đầu tư khai thác hiệu quả và bền vững. Địa phương nào cũng có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch riêng nhưng lại không có quy hoạch chung toàn khu vực và cũng không tập trung rõ ràng vào một loại hình du lịch cụ thể nào.
Làm sao để tạo ra sản phẩm du lịch mang tính cạnh tranh giữa các địa phương đồng thời bổ trợ cho nhau, tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến nhằm kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng chi tiêu của khách du lịch.

Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm tại Hội thảo liên kết phát triển du lịch các tỉnh Bắc Miền Trung do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Nghệ An vừa tổ chức tại thành phố Vinh (Nghệ An).

Chưa có tiếng nói chung

Nằm trải dài từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, Bắc miền Trung có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc với ưu thế nổi trội về phát triển du lịch biển, đảo và du lịch văn hóa lịch sử. Tuy nhiên, cả vùng hiện vẫn chưa tìm ra một mô hình đầu tư khai thác hiệu quả và bền vững.

Địa phương nào cũng có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch riêng nhưng lại không có quy hoạch chung định hướng phát triển sản phẩm du lịch cho toàn khu vực. Bởi lẽ đó, các địa phương “thả giàn” thu hút dự án mà không có định hướng tập trung rõ ràng vào một loại hình du lịch cụ thể nào.

Điều này cũng lý giải tại sao từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng chưa có một khu du lịch quốc tế nổi tiếng như ở các nước lân cận Bali (Indonesia), Macau (Trung Quốc), Phuket (Thái Lan)… mặc dù tiềm năng khu vực này hoàn toàn có thể xây dựng được những khu du lịch tầm cỡ.

Tiêu biểu cho mô hình liên kết phát triển sản phẩm du lịch miền Trung là tuyến du lịch “Hành trình Kinh đô Việt Cổ,” hành trình “Con đường di sản thế giới” nối các di sản thế giới Phong Nha-Huế-Hội An-Mỹ Sơn và mở rộng ra các vùng du lịch hấp dẫn khác từ Nghệ An vào đến Nha Trang lên Đà Lạt, đồng thời mở rộng theo tuyến hành lang Đông Tây nối kết Việt Nam-Lào-Thái Lan và Myanmar.

Đây là những ý tưởng khá mới mẻ và sáng tạo, các nhà quản lý du lịch của khu vực Bắc miền Trung cũng như các doanh nghiệp đã đặt kỳ vọng rất nhiều vào sản phẩm này, xem đây như sợi dây gắn kết du lịch các địa phương lại với nhau.

Thế nhưng khi bắt tay vào triển khai, dường như Tổng cục Du lịch không mấy quan tâm, chương trình không có một “nhạc trưởng” chỉ huy, không thỏa thuận được với nhau về mô hình quản lý, không ai kiểm tra, các doanh nghiệp không chịu đóng góp kinh phí cho công tác quảng bá xúc tiến.

Đã thành thông lệ, vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 hàng năm, tức là bước vào kỳ nghỉ hè, các địa phương ở khu vực Bắc miền Trung lại rầm rộ khởi động mùa lễ hội, thu hút du khách với những cái tên nghe rất ấn tượng như Lễ hội du lịch biển Cửa Lò, Festival Huế-Lễ hội làng nghề truyền thống, Festival biển Đà Nẵng, Liên hoan du lịch Bà Nà…

Chỉ trong một tuần lễ đã có quá nhiều lễ hội được diễn ra, lễ hội ở tỉnh này chưa xong nơi khác đã khai mạc, như một sự chạy đua làm lễ hội khiến du lịch vừa manh mún vừa kém hiệu quả, khiến du khách tham gia cảm thấy nhàm chán mà các doanh nghiệp lữ hành sẽ khó tạo ra những tour hoàn chỉnh.

Vì mạnh ai nấy làm, không ai chịu ai nên các địa phương Bắc miền Trung đã để lọt nhiều cơ hội cũng như chưa tìm được tiếng nói chung trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Theo ông Doãn Văn Phú - Phó Giám đốc Sở văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, chỉ khi đồng thanh, đồng khí và có một nhạc trưởng xứng tầm thì du lịch Bắc miền Trung mới có thể cất cánh được.

Đầu tư sản phẩm đặc thù của Bắc miền Trung

Điều mà du lịch Bắc miền Trung có thể tận dụng khai thác để làm nên sự khác biệt chính là yếu tố lịch sử, tính nhân văn và lành mạnh của một vùng du lịch không nơi nào có thể sao chép được, chứa đựng một nền văn hóa lâu đời với các triều đại phong kiến, những pho sử sống động liên quan đến các thương nhân người Nhật vượt biển đến Hội An giao lưu buôn bán...

Tìm ra được lợi thế cạnh tranh nổi bật của mình, ngành du lịch Bắc miền Trung mới có thể tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách trong và ngoài nước.

Làm được điều này, trước hết ranh giới giữa các địa phương nên được xóa bỏ để cùng tạo dựng nên một thương hiệu chung cho du lịch Bắc miền Trung. Mỗi địa phương có thế mạnh riêng đóng góp hỗ trợ lẫn nhau trong việc thu hút du khách tạo ra một không gian du lịch chung, Thừa Thiên Huế được xác định là trục trung tâm đủ năng lực đại diện chung cho cả vùng.

Các sản phẩm du lịch trên nền tảng hướng về thế mạnh biển cũng cần xoay quanh trục lợi thế cạnh tranh của mình là lịch sử và nhân văn. Các bảo tàng và di tích văn hóa, lịch sử cần được tôn tạo, đầu tư và phát triển xứng tầm để có thể trở thành điểm đến thu hút du khách. Các sự kiện lễ hội nên được tổ chức “thành vệt” trải dài khắp khu vực, trong những không gian văn hóa và lịch sử đúng nghĩa và được quảng bá rộng rãi.

Phát triển không gian du lịch cũng là một hướng đi trong xây dựng sản phẩm du lịch. Theo đó, ngành du lịch Bắc miền Trung xác định hai không gian du lịch. Hướng thứ nhất xác định theo hướng không gian Bắc-Nam, trong đó trục không gian là Huế-Đà Nẵng-Quảng Ngãi nhằm khai thác tiềm năng kinh tế biển, du lịch biển, tạo khả năng giao lưu quốc tế thông qua các cảng biển và cảng sân bay. Hướng thứ hai phát triển dọc theo trục quốc lộ 9 về phái Tây, qua cửa khẩu Lao Bảo đến Savanakhet (Lào), Đông Bắc Thái Lan và các nước trong khu vực.

Muốn phát huy lợi thế sẵn có và phù hợp với khả năng của mình, trước mắt du lịch các tỉnh Bắc miền Trung cần khai thác tốt thị trường khách du lịch nội địa. Với thị trường nước ngoài nên hướng vào các nước ASEAN thông qua các cửa khẩu đường bộ trong hàng lang kinh tế Đông Tây, du khách Nhật, Mỹ, Pháp, Trung Quốc…

Để du lịch Bắc miền Trung ngày càng hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế cần có chính sách phát triển đồng bộ về môi trường, giao thông và đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai./.

Bích Huệ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục