Liên hợp quốc: Xung đột ở Yemen xuất hiện dấu hiệu hạ nhiệt

Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Yemen cho biết số vụ không kích của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen vào lực lượng Houthi đã giảm 80% trong 2 tuần qua.
Lực lượng ủng hộ chính phủ Yemen triển khai tại thành phố cảng Hodeida. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu trực tuyến trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 22/11, Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Yemen, Martin Griffiths cho biết số vụ không kích của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen vào lực lượng Houthi đã giảm 80% trong 2 tuần qua.

Đây là một tín hiệu quan trọng cho thấy tình hình đang thay đổi tích cực ở quốc gia nằm ở cực Nam bán đảo Arab này.

[Saudi Arabia thảo luận với Houthi về lệnh ngừng bắn ở Yemen]

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn lời ông Griffiths chỉ rõ kể từ khi phong trào Houthi lật đổ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi năm 2014, đây là lần đầu tiên trong suốt 48 giờ không có bất kỳ một cuộc không kích nào.

Đây được coi là một dấu hiệu hạ nhiệt xung đột và có thể là một động thái ngừng bắn ở Yemen mà nhiều thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi trong suốt thời gian qua.

Việc giảm leo thang xung đột là nội dung chính trong các cuộc đàm phán không chính thức về một lệnh ngừng bắn ở Yemen giữa giới chức Saudi Arabia và lãnh đạo phiến quân Houthi kể từ tháng Chín vừa qua.

Cuộc hội đàm bắt đầu khi lực lượng Houthi đề nghị sẽ dừng các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các thành phố của Saudi Arabia, nếu liên minh do Riyadh chỉ huy chấm dứt các cuộc không kích vào Yemen.

Liên hợp quốc cho biết các cuộc giao tranh giữa các bên tham chiến ở thành phố cảng Hodeidah của Yemen - nơi hai bên đã đồng ý ngừng bắn hồi năm ngoái, đã giảm 80% sau khi Liên hợp quốc triển khai lực lượng giám sát trong những tuần gần đây.

Liên hợp quốc hy vọng sẽ khởi động lại các cuộc đàm phán chính thức giữa chính phủ Yemen do Saudi Arabia hậu thuẫn và phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn để chấm dứt cuộc xung đột, vốn được coi là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Saudi Arabia và Iran.

Đặc phái viên của Liên hợp quốc hy vọng đạt được một giải pháp cho cuộc xung đột ở Yemen trong nửa đầu năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục