Liên hợp quốc và Mỹ, ngày 9/6, đã đồng loạt lên án các vụ tấn công khủng bố tại Pakistan hôm 8/6, trong đó có vụ tấn công sân bay Karachi làm 29 người thiệt mạng, đồng thời hối thúc Chính phủ Pakistan đẩy mạnh các nỗ lực chống khủng bố.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết ông quan ngại sâu sắc trước làn sóng bạo lực đang nổ ra tại Pakistan.
Liên hợp quốc ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì và bảo đảm an ninh, song hối thúc Islamabad đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo để bảo vệ quyền tự do tôn giáo của người dân.
Liên hợp quốc kêu gọi đưa thủ phạm các vụ tấn công ra chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tổng Thư ký cũng bày tỏ tình đoàn kết với chính phủ và người dân Pakistan đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong vụ tấn công.
Cùng ngày, phát biểu với báo giới tại thủ đô Washington, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf khẳng định Pakistan có nghĩa vụ bảo vệ người dân bằng các biện pháp chống khủng bố phù hợp. Bà Harf cũng lên án các vụ tấn công khủng bố và kêu gọi các lực lượng này ngừng các hoạt động tấn công người vô tội.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Washington quan tâm sâu sắc tới tình hình gia đình các nạn nhân và những người bị thương trong vụ tấn công. Bên cạnh đó, ông Earnest cũng nhận định vấn đề hòa giải với Taliban là một nội dung chiến lược mà Chính quyền Islamabad cần tự đưa ra quyết định.
Vào cuối ngày 8/6, các tay súng đã tấn công sân bay quốc tế Jinnah. Vụ tấn công kéo dài tới rạng sáng 9/6, khiến 29 người thiệt mạng, trong đó có 10 phiến quân.
Cùng ngày, phong trào Hồi giáo Taliban ở Pakistan đã lên tiếng nhận tiến hành vụ tấn công trên để báo thù cho cái chết của thủ lĩnh Hakimullah Mehsud, bị thiệt mạng trong một vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 11/2013.
Người phát ngôn Tehreek-e-Taliban, Shahidullah Shahid tuyên bố sẽ tiến hành thêm các cuộc tấn công, đồng thời chỉ trích đề xuất mới đây của Chính phủ Pakistan về các cuộc đàm phán hòa bình như "một công cụ chiến tranh."
Chính phủ Pakistan bắt đầu đàm phán với nhóm hòa giải của Taliban từ tháng Hai năm nay, trong nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài bảy năm. Tuy nhiên, đến nay, các cuộc đàm phán đạt được rất ít tiến bộ./.