Liên hợp quốc ủng hộ nghị quyết phản đối vũ khí hạt nhân

Nghị quyết phản đối vũ khí hạt nhân do Nhật Bản đề xuất đã nhận được sự ủng hộ của 162 nước, trong khi 4 nước phản đối gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Nga và Syria.
Toàn cảnh Khóa họp 73 Đại hội đồng LHQ tại New York, Mỹ ngày 18/9/2018. Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 5/12, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết phản đối vũ khí hạt nhân do Nhật Bản đề xuất với sự đồng thuận cao.

Trong suốt 25 năm qua, Nhật Bản đã liên tục đưa ra những đề xuất tương tự nhằm kêu gọi các nước từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Nghị quyết lần này nhận được sự ủng hộ của 162 nước, trong khi 4 nước phản đối gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Nga và Syria.

23 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Mỹ, một đồng minh quan trọng của Nhật Bản.

Nghị quyết năm nay, được sửa đổi từ văn bản năm ngoái, đạt được sự đồng thuận cao hơn với thêm 6 nước ủng hộ và ít hơn một nước bỏ phiếu trắng.

Ngoài Mỹ bỏ phiếu trắng, năm nay Pháp, Áo, Brazil, Mexico và Nam Phi cũng bỏ phiếu trắng. Chỉ có Anh là quốc gia ủy viên thường trực duy nhất trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết.

['Mỹ rút khỏi INF đe dọa sự tồn tại của hiệp ước kiểm soát vũ khí']

Là quốc gia duy nhất trên thế giới đến nay phải hứng chịu những hậu quả thảm khốc của bom nguyên tử, Nhật Bản đã nỗ lực thu hẹp khác cách giữa các nước có vũ khí hạt nhân với các quốc gia khác.

Đề xuất của Tokyo bao gồm một số tham chiếu từ các thỏa thuận từng đạt được sự đồng thuận tại các hội nghị thảo luận về Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân các năm 1995, 2000 và 2010.

Nghị quyết phản đối vũ khí hạt nhân do Nhật Bản đề xuất lần đầu tiên được thông qua bởi 126 nước ủng hộ. 41 nước bỏ phiếu chống và 16 nước bỏ phiếu trắng.

Năm 2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết này với sự ủng hộ của 156 nước, ít hơn 6 nước so với năm nay.

Cùng ngày, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng thông qua một nghị quyết kêu gọi các nước thành viên nhanh chóng phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, mà đến nay đã có 69 nước ký thông qua và 19 nước phê chuẩn. Để có hiệu lực, hiệp ước này cần phải có 50 nước phê chuẩn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục