Ngày 25/9, bên lề phiên thảo luận cấp cao chung của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 69 ở New York, Mỹ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã tổ chức cuộc họp cấp cao, bàn về dịch bệnh Ebola, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama và nguyên thủ quốc gia, trưởng đoàn đại biểu các nước Liberia, Guinea và Sierra Leone đang có mặt ở New York để tham dự phiên thảo luận cấp cao chung kể trên.
Phát biểu trước các đại biểu, Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết bất chấp những cố gắng không mệt mỏi của chính quyền trung ương và các địa phương tại các quốc gia đang bị dịch bệnh Ebola hoành hành ở khu vực Tây Phi, cũng như sự làm việc tận tâm của đội ngũ y, bác sĩ, song mỗi ngày qua đi, dịch bệnh nguy hiểm này lại cướp đi sinh mạng của khoảng 200 người, trong đó 2/3 là phụ nữ và trẻ em.
Ông Ban Ki-moon cho biết nhiều quốc gia đang quyết tâm chống sự lây lan của virus Ebola bằng cách đóng cửa biên giới, ngừng các chuyến bay thương mại tới những nước đang có dịch, hay hạn chế tối đa việc tàu biển cập cảng các nước này.
Tuy nhiên, theo ông, những việc làm như vậy chỉ làm cho tình hình căng thẳng thêm, và cho rằng vào thời điểm hiện tại, tuyệt đối không nên "cách ly" các nước có dịch, bởi hơn bao giờ hết, lúc này các nước ấy đang rất cần sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, tính đến nay, dịch bệnh Ebola đã cướp đi mạng sống của 300 cán bộ, nhân viên y tế, song các chuyên gia y tế của Liên hợp quốc đã và đang rất sẵn sàng có mặt tại các quốc gia Tây Phi để giúp dập dịch, và hiện trong tay ông đang có không ít hơn 4.000 lá đơn tình nguyện vì mục đích nhân đạo cao cả này.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định rằng dịch bệnh Ebola không chỉ là cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực y tế, mà nó đang còn là mối đe dọa đối với an ninh khu vực và thế giới nói chung.
Theo ông, nếu không sớm dập được dịch bệnh này, khu vực Tây Phi sẽ đối mặt với một thảm họa nhân đạo vô cùng thảm khốc. Ông cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, mọi cuộc khủng hoảng khu vực nếu không được giải quyết tận gốc một cách sớm nhất, nó sẽ nhanh chóng biến thành cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu, vì thế, dập dịch Ebola sẽ là lợi ích chung của toàn thế giới.
Tổng thống Obama cũng bày tỏ lo ngại cho rằng hiện nay mới là hàng nghìn phụ nữ và trẻ em bị thiệt mạng vì Ebola, và hàng nghìn người khác đang bị nhiễm virus nguy hiểm này, nhưng nếu cộng đồng quốc tế không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, rất có thể chỉ sau vài tháng nữa, con số ấy sẽ là hàng trăm nghìn người.
Ông cho biết trước tính cấp bách của tình hình, ngay trong ngày 26/9, ông sẽ chủ trì một hội nghị quốc tế tại thủ đô Washington với sự tham dự của nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo đến từ 44 nước để bàn biện pháp mang tính toàn cầu trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe con người.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến nay, đã có hơn 6.000 người bị nhiễm bệnh Ebola, chủ yếu ở các nước Liberia, Guinea và Sierra Leone, trong đó hơn 2.900 người đã tử vong. WHO còn cảnh báo nếu không sớm được chặn lại, chỉ đến đầu tháng 11 tới, căn bệnh Ebola sẽ đến với không dưới 20.000 người./.