Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, vào tháng 4 tới, tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này sẽ tổ chức hội nghị, với sự tham gia của tất cả đảng phái chính trị ở Libya.
Hội nghị nhằm vạch ra lộ trình dẫn dắt quốc gia Bắc Phi này hướng tới các cuộc bầu cử cũng như thoát khỏi tình trạng rối ren và bất ổn sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi hồi năm 2011.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Tripoli ngày 20/3, đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Ghassan Salame cho biết Liên hợp quốc sẽ mời tất cả các phe phái chính trị tham gia mà không có bất kỳ ngoại lệ nào.
Hội nghị gồm khoảng 120-150 đại biểu, dự kiến diễn ra tại thành phố miền Trung Ghadames, từ ngày 14-16/4.
Quyết định tổ chức hội nghị được đưa ra sau các cuộc họp và tham vấn tại 57 thành phố và thị trấn trên cả nước.
Mục đích của hội nghị là nhằm đặt ra thời gian cụ thể cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở Libya - đất nước vốn bị tàn phá nặng nề do xung đột quân sự, chính trị và giáo phái kể từ khi nhà lãnh đạo Kadhafi bị lật đổ.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự cũng sẽ nỗ lực đưa ra quyết định về bản hiến pháp mới. Hiến pháp và bầu cử là hai vấn đề bị trì hoãn ở Libya do mâu thuẫn giữa hai chính quyền đối lập.
[Thủ tướng Libya kêu gọi các bên tham gia giải quyết khủng hoảng]
Phái bộ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) cho biết trong cuộc gặp tại Abu Dhabi tháng trước, Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya, được cộng đồng quốc tế công nhận, dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Fayez al-Sarraj, và chính quyền ở miền Đông do Tướng Khalifa Haftar đứng đầu đã nhất trí hợp tác hướng tới việc tổ chức các cuộc bầu cử.
Trước đó, năm 2018, các lãnh đạo hai phe đối địch tại Libya cũng đã nhất trí tiến hành các cuộc bầu cử trước ngày 10/12/2018 theo kế hoạch của Pháp, song cuộc bầu cử này đã không thể diễn ra.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua hội nghị trực tuyến từ Tripoli, đặc phái viên Salame khẳng định các phe phái tại Libya đã cam kết giải quyết bất đồng thông qua bầu cử.
Theo ông, tình hình Libya hiện nay đang ở "bước ngoặt quan trọng" và các bên đang nỗ lực ngăn chặn căng thẳng trên thực địa leo thang, tập trung hướng tới ổn định và giải pháp chính trị có thể chấm dứt cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi.
Tuy nhiên, nếu hội nghị sắp tới thất bại, Libya sẽ phải đối mặt với hai khả năng, đó là "bế tắc hoặc xung đột kéo dài." Do đó, đặc phái viên Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế đặt lợi ích của người dân Libya lên trên hết, hành động theo đúng cam kết và gia tăng sức ép buộc các bên tránh xung đột, ủng hộ các cuộc bầu cử.
Trước đó, ngày 19/3, Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya Fayez al-Sarraj đã kêu gọi tất cả các đảng phái tại Libya tham gia giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này.
Libya hiện vẫn trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang suốt nhiều năm qua sau cuộc chính biến năm 2011.
Hiện ở quốc gia này đang tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng.
Bất chấp việc ký kết thỏa thuận chính trị do Liên hợp quốc bảo trợ vào cuối năm 2015, Libya vẫn chưa thể đạt được quá trình chuyển tiếp dân chủ.
Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô./.