Ngày 10/9, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết ủng hộ một khung pháp lý về tái cơ cấu nợ chủ quyền.
Động thái này được cho là nhằm ngăn chặn cuộc chiến pháp lý giữa các quốc gia và các "quỹ kền kền" như trường hợp của Argentina.
Với tựa đề "Những nguyên tắc cơ bản về các tiến trình tái cơ cấu nợ chủ quyền," nghị quyết trên do Nam Phi đệ trình đã nhận được 136 phiếu thuận và sáu phiếu chống, trong đó có Mỹ. 41 nước bỏ phiếu trắng.
Nội dung nghị quyết nhấn mạnh các nước cần thông qua các nguyên tắc nhằm bảo vệ các chính phủ trước các nhóm thiểu số chủ nợ từ chối tham gia chương trình tái cơ cấu nợ cùng với nhóm đa số chủ nợ đồng ý với tiến trình này.
Theo nghị quyết không mang tính bắt buộc song có ý nghĩa về chính trị này, các tòa án nước ngoài hay các nước khác không được can thiệp vào tiến trình tái cơ cấu nợ của nước khác, đồng thời tôn trọng mọi quyết định do nhóm chủ nợ đa số thông qua.
Nghị quyết cũng quy định một quốc gia chủ quyền có quyền đưa ra chính sách tái cơ cấu nợ mà không bị cản trở bởi bất cứ biện pháp nào.
Tiến trình tái cơ cấu nợ của một quốc gia cũng vừa phải đảm bảo các quyền của các chủ nợ vừa củng cố tăng trưởng kinh tế của nước đó.
Nghị quyết này có ý nghĩa quan trọng đối với Argentina bởi quốc gia Nam Mỹ này đang vướng phải cuộc chiến pháp lý kéo dài với nhóm thiểu số chủ nợ được coi là "quỹ kền kền" không chịu tham gia chương trình tái cơ cấu nợ.
Ngoại trưởng Argentina Hector Timerman đã hoan nghênh động thái trên và khẳng định đây là quyết định ủng hộ sự phát triển và hòa bình xã hội cũng như sự ổn định kinh tế.
Trước đó, hồi tháng Bảy vừ qua, Ủy ban đặc biệt của Liên hợp quốc phụ trách việc xem xét quá trình tái cơ cấu nợ của các nước cũng đã thông qua một văn kiện nhằm thiết lập một loạt các nguyên tắc để tạo ra một cơ chế quốc tế trong vấn đề tái cơ cấu nợ công.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), cuộc khủng hoảng nợ công tại Argentina đã cho thấy thách thức đối với những nỗ lực của hai định chế tài chính này nhằm tái khôi phục nền kinh tế và tài chính của những nước cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự.
Ngoài Argentina, một số quốc gia khác tại Caribe và Ukraine cũng đang đối mặt những khó khăn trong tiến trình tái cơ cấu nợ./.