Liên hợp quốc thông qua nghị quyết lên án việc sát hại nhà báo

Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thực hiện những bước đi đúng đắn để bảo đảm tính trách nhiệm đối với các hình thức tội phạm chống lại các nhà báo và các chuyên gia truyền thông trong các cuộc xung đột.
Liên hợp quốc thông qua nghị quyết lên án việc sát hại nhà báo ảnh 1Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ sát hại nhà báo Oles Buzyna ở Kiev, Ukraine. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước những quan ngại về các hành động bạo lực thường xuyên diễn ra đối với các nhà báo đưa tin về các cuộc xung đột vũ trang, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 27/5 đã đồng thuận thông qua nghị quyết lên án các hành động bạo lực chống lại các nhà báo, đồng thời lấy làm tiếc khi chưa có những biện pháp trừng phạt thích đáng đối với các hành động đó.

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an xác nhận truyền thông là một trong những nền tảng thiết yếu của một xã hội dân chủ, và qua đó đóng góp vào việc bảo vệ dân thường.

Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thực hiện những bước đi đúng đắn để bảo đảm tính trách nhiệm đối với các hình thức tội phạm chống lại các nhà báo và các chuyên gia truyền thông trong các cuộc xung đột.

Phiên họp thông qua nghị quyết này của Hội đồng Bảo an do Ngoại trưởng Linas Linkevicius của Litva, quốc gia đảm đương chức vụ Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng 5/2015, chủ trì và có sự tham gia của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Thư ký Eliasson cho rằng việc sát hại các nhà báo quốc tế gần đây đã gây ra sự quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế, song, điều đáng ghi nhớ là 95% số nhà báo bị sát hại trong các cuộc xung đột vũ trang là các nhà báo tại địa phương đó và ít được chú ý hơn.

Phó Tổng Thư ký nhấn mạnh các cuộc xung đột vũ trang không chỉ đe dọa sự an toàn và mạng sống của các nhà báo, mà nó còn làm hạn chế dòng chảy thông tin, hủy hoại các nguyên tắc luật pháp và dân chủ.

Với việc nhấn mạnh thực tế là dòng thông tin từ các nhà báo tại các cuộc xung đột là hết sức quan trọng, ông Jan Eliasson cũng đưa ra những cách thức để các quốc gia thành viên Liên hợp quốc có thể thúc đẩy chương trình nghị sự của Kế hoạch Hành động Liên hợp quốc về Sự an toàn của nhà báo và Vấn đề không bị trừng phạt.

Theo kế hoạch, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cần thống nhất và liên tục lên án các hành động sát hại các nhà báo tại các cuộc xung đột; thường xuyên tổ chức các cuộc thảo luận về bảo vệ nhà báo; khuyến khích các sứ mệnh do Hội đồng Bảo an ủy thác xem xét về sự an toàn của nhà báo và các nhân viên truyền thông như là một phần của sứ mệnh bảo vệ dân thường; bảo đảm rằng tự do đưa tin và sự an toàn của các nhà báo là một phần trong công cuộc cải cách tư pháp và nhân quyền.

Phó Tổng Thư ký Elission cũng kêu gọi các quốc gia công nhận và ủng hộ Kế hoạch Hành động của Liên hợp quốc về Sự an toàn của nhà báo và Vấn đề không bị trừng phạt.

Tổ chức Nhà báo không biên giới cho biết từ đầu năm đến nay, đã có 25 nhà báo bị sát hại, con số này trong năm 2014 là 66 người và trong một thập kỷ qua là hơn 700 người.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, trong số 593 nhà báo bị sát hại trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2013, gần một nửa, 273 trường hợp, xảy ra tại các vùng có xung đột./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục