Liên hợp quốc thông qua 9 nguyên tắc về tái cơ cấu nợ công

Văn kiện "mang tính lịch sử" gồm 9 nguyên tắc là đảm bảo quyền quốc gia trong việc tái cơ cấu nợ; độ tin cậy; tính minh bạch; tính bình đẳng; cơ chế đối xử công bằng; tính hợp pháp; sự bền vững và tái cơ cấu nợ theo đa số.
Chuyển các bưu kiện tại trung tâm tài chính ở thành phố New York, Mỹ ngày 9/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 28/7, Ủy ban đặc biệt của Liên hợp quốc phụ trách việc xem xét quá trình tái cơ cấu nợ của các nước đã thông qua một văn kiện "mang tính lịch sử," theo đó thiết lập một loạt các nguyên tắc để tạo ra một cơ chế quốc tế trong vấn đề tái cơ cấu nợ công.

Phát biểu với báo giới, Đại sứ Bolivia tại Liên hợp quốc Sacha Llorenti, người giữ chức chủ tịch ủy ban trên, cho biết chín nguyên tắc trên bao gồm việc đảm bảo quyền quốc gia trong việc tái cơ cấu nợ; độ tin cậy; tính minh bạch; tính bình đẳng; cơ chế đối xử công bằng; tính hợp pháp; sự bền vững và tái cơ cấu nợ theo đa số.

Tuy nhiên, bà Llorenti cũng lưu ý có 11 nước phản đối việc thành lập ủy ban trên hồi tháng 12/2014 và đây chính là những quốc gia nắm giữ quyền biểu quyết quan trọng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - thể chế tài chính kiểm soát các vấn đề nợ công.

Nhận định về vấn đề này, nhà kinh tế Joseph Stiglitz của Mỹ cho rằng việc IMF quản lý vấn đề tái cơ cấu nợ không có ý nghĩa bởi đây là một thể chế của các chủ nợ. Ông cho rằng cần xây dựng một đạo luật phá sản công bằng và hiệu quả, nhấn mạnh các bộ luật phá sản được các chủ nợ đưa ra thường không đáp ứng được những tính chất trên.

Nhà kinh tế này cũng đề cập đến cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp và Argentina như là những dẫn chứng gần đây nhất cho những quốc gia chịu hậu quả do thiếu một cơ chế hợp lý trong việc tái cơ cấu nợ, dẫn đến suy thoái kinh tế.

Về phần mình, Giám đốc chiến lược của Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) nhận định những nguyên tắc mà ủy ban trên vừa thông qua đánh dấu "một giai đoạn quan trọng đầu tiên" nhằm hướng đến một cách thức hợp lý hơn trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ công.

Dự kiến, các nước thành viên Liên hợp quốc sẽ tiến hành bỏ phiếu về văn kiện trên trong một cuộc họp vào đầu tháng Chín./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục