Cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc ngày 18/11 công bố báo cáo cho thấy ước tính hàng năm có khoảng 7 triệu trẻ em trên toàn thế giới không có tự do vì bị giam giữ trong các nhà tù, đồn cảnh sát, trại tạm giữ người di cư, nơi cư trú dành cho người khuyết tật và các cơ sở bảo trợ xã hội.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, các tác giả của nghiên cứu trên cho biết số lượng trẻ em bị mất tự do mà họ ước tính đã đi ngược lại Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, với gần 200 quốc gia tham gia ký kết.
Công ước chỉ cho phép giam giữ người dưới 18 tuổi như một biện pháp tạm thời khi không còn lựa chọn nào khác.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, chuyên gia nhân quyền người Australia, Manfred Nowak cho rằng mặc dù những năm gần đây, thế giới đã đạt được những tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề này, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để đưa trẻ em ra khỏi các cơ sở tạm giữ và chấm dứt việc giam giữ người di cư chưa đủ 18 tuổi.
Ông nhấn mạnh: “Đây là trách nhiệm của chúng ta nhằm đưa trẻ em bị giam giữ trở lại với tuổi thơ của chúng."
Báo cáo của cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc cảnh báo các rối loạn tâm thần ở trẻ em có thể tăng gấp 10 lần khi bị giam giữ và những đứa trẻ từng bị giam giữ có tuổi thọ thấp hơn nhiều so với những trẻ chưa bao giờ bị giam giữ.
[ASEAN tăng cường biện pháp bảo vệ cho trẻ em dễ bị tổn thương]
Theo nhóm nghiên cứu, hàng năm có ít nhất 410.000 trẻ em bị giam giữ trong các nhà tù và trại tạm giữ trước khi bị xét xử, có khoảng 1 triệu trẻ em bị giam giữ trong các đồn cảnh sát, hơn 5,4 triệu trẻ em sống trong các trung tâm bảo trợ xã hội mà bản chất của các cơ sở này là không thể hoạt động mà không tước đi quyền tự do của trẻ em.
Ngoài ra, có 80 nước đang giam giữ tổng cộng 330.000 trẻ em di cư.
Tại các khu vực đang diễn ra xung đột như Syria và Iraq, có hàng chục nghìn trẻ em là con cái của những phần tử Hồi giáo cực đoan đang bị giam giữ trong các khu trại./.