Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại về tình hình "leo thang nguy hiểm" trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine trước những thông tin về giao tranh đang lan rộng ở miền Đông-Nam nước này.
Trong tuyên bố được người phát ngôn đưa ra tại cuộc họp báo ngày 28/8 ở New York, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh cộng đồng quốc tế không được phép để cho tình hình tại Ukraine leo thang hơn nữa, cũng như không thể để cho bạo lực và sự tàn phá của cuộc xung đột tại miền Đông nước này tiếp tục diễn ra.
Tuyên bố của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh nếu thông tin chiến sự tại miền Đông Ukraine đang lan rộng ra phía Nam, tiến gần tới biên giới với Nga và tiếp giáp biển Azov là chính xác, thì đây là một sự "leo thang nguy hiểm" trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay.
Về thông tin mà Kiev và Washington đưa ra cáo buộc Nga đưa binh sỹ và xe cơ giới sang lãnh thổ Ukraine, cùng ngày, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Jeffrey Feltman thông báo tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an rằng Liên hợp quốc không thể xác nhận hay phủ nhận thông tin này.
Về phần mình, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin chỉ ra rằng sự leo thang hiện nay là hệ quả từ chính sách dùng vũ lực thay vì đối thoại mà Kiev áp dụng với lực lượng biểu tình đòi liên bang hóa ở miền Đông. Ông Churkin cũng cho rằng Mỹ nên chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
Tuy nhiên, tại phiên họp này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bác bỏ đề xuất của phía Nga về một lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine, lý do bác bỏ mà Liên hợp quốc đưa ra được ông Churkin đánh giá là "không nghiêm túc."
Trong khi đó, Ủy ban Nhân quyền thuộc Liên hợp quốc ngày 28/8 đã công bố báo cáo về tình hình thương vong trong dân thường tại khu vực chiến sự của Ukraine. Theo đó, chỉ trong một tháng vừa qua, hơn 1.200 người đã thiệt mạng trong chiến sự tại nước này. Liên hợp quốc chỉ ra rằng quân đội Ukraine chịu một phần trách nhiệm trong những thương vong đó do đã có hành động pháo kích không chọn lọc vào các thành phố.
Báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc nêu rõ, họ có trong tay thông tin về việc quân đội Ukraine sử dụng những loại vũ khí như pháo cối, dàn tên lửa trong các hoạt động chiến sự ở những khu vực tập trung đông dân cư, trong khi chính quyền nước này luôn khẳng định không tấn công vào khu vực có đông dân ở.
Mặc dù Liên hợp quốc cũng quy trách nhiệm cho lực lượng dân quân miền Đông trong việc bố trí xe cơ giới quân sự bên trong hoặc gần khu vực dân cư, nhưng khẳng định việc này không thể gỡ bỏ trách nhiệm của quân đội Ukraine trong tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là nguyên tắc phân biệt, hài hòa và thận trọng trong khi tấn công quân sự.
Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc cũng yêu cầu Kiev phải điều tra thông tin về hành vi bắt giữ, bắt cóc và tra tấn xảy ra tại miền Đông do các tiểu đoàn tình nguyện thuộc quân đội nước này thực hiện.
Báo cáo nhấn mạnh, phái bộ gồm 40 thành viên của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc hoạt động tại Ukraine từ tháng Ba đến nay đã thu thập được thông tin về những vụ vi phạm nhân quyền do các tiểu đoàn tự vệ thuộc quyền kiểm soát của Bộ Quốc phòng Ukraine, cũng như các tiểu đoàn đặc nhiệm thuộc Bộ Nội vụ thực hiện. Liên hợp quốc sẽ ra một báo cáo chính thức về việc này trong ngày 29/8, tiến tới yêu cầu mở điều tra, bên có tội sẽ phải chịu trách nhiệm.
Cũng tại phiên họp khẩn, Đại sứ Nga Vitaly Churkin cho biết Phó trưởng đại diện thường trực Ukraine tại Liên hợp quốc Aleksander Pavlichenko đã lẩn tránh trả lời câu hỏi vì sao nước này chưa công bố các đoạn băng ghi âm hội thoại giữa nhân viên điều phối mặt đất với phi công chiếc máy bay Boeing-777 mang số hiệu MH17 của Malaysia chở 298 người rơi tại Ukraine ngày 17/7, cũng như không chuyển các đoạn băng này cho bên đứng đầu cuộc điều tra vụ tai nạn là Hà Lan./.