Đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen Martin Griffiths ngày 8/1 có cuộc hội đàm với Tổng thống Yemen được quốc tế công nhận, ông Mansour Hadi tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Yemen.
Theo hãng thông tấn Saba của Yemen, tại cuộc hội đàm, ông Mansour Hadi, hiện đang sống lưu vong tại Saudi Arabia, đã bày tỏ ủng hộ những nỗ lực và sự hợp tác của ông Griffiths trong tiến trình hòa bình Yemen.
Trong tuyên bố đăng trên trang mạng Twitter, người đứng đầu văn phòng tổng thống Yemen khẳng định chính quyền Tổng thống Hadi luôn tuân thủ thỏa thuận mà các bên liên quan tại Yemen nhất trí trong cuộc hòa đàm tại Thụy Điển, đồng thời sẵn sàng mở cửa cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Trước đó, ông Griffiths đã đến thủ đô Sanaa của Yemen để tiến hành các cuộc đàm phán với lực lượng Houthi nhằm củng cố việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại thành phố cảng trọng yếu Hodeida.
[Vòng đàm phán Yemen tiếp theo có thể được tổ chức tại Jordan]
Dự kiến, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ nhóm họp ngày 8/1 để thảo luận việc triển khai phái bộ giám sát thực thi thỏa thuận ngừng bắn nói trên và những nỗ lực mới nhất của đặc phái viên Griffiths nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua.
Ông Griffiths sẽ trình bày báo cáo tóm tắt tình hình trong phiên họp này. Hiện ông đang tìm cách hiện thực hóa các thỏa thuận đã được các bên tham chiến tại Yemen nhất trí tại Thụy Điển.
Nhà ngoại giao của Liên hợp quốc hy vọng vòng hòa đàm mới về Yemen sẽ được nối lại vào cuối tháng 1 này để tiến tới xây dựng thỏa thuận hòa bình toàn diện.
Lệnh ngừng bắn tại thành phố cảng Hodeida, nơi tiếp nhận phần lớn viện trợ nhân đạo và hàng tiếp tế cho, là một trong những nỗ lực thúc đẩy hòa bình và được đánh giá là cơ hội tốt nhất để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 4 năm giữa phiến quân Houthi và các lực lượng chính phủ Yemen được liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu hậu thuẫn.
Thỏa thuận trên bắt đầu có hiệu lực từ nửa đêm 17 rạng sáng 18/12/2018, dù vẫn xảy ra những vụ giao tranh mà hai bên đổ lỗi cho nhau.
Cuộc chiến giữa lực lượng Houthi và binh sĩ trung thành với chính phủ Yemen được quốc tế công nhận đã leo thang từ tháng 3/2015, khi Tổng thống Mansour Hadi sang Riyadh lưu vong và liên quân do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp quân sự vào Yemen.
Cuộc xung đột đã gây ra thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với 14 triệu người Yemen đứng trước nguy cơ chết đói./.