Liên hợp quốc nêu phương hướng tránh làn sóng xung đột mới tại Syria

Đặc phái viên Liên hợp quốc nhấn mạnh lo ngại quá trình chuyển đổi sẽ tạo ra những mâu thuẫn mới theo cách có thể dẫn đến xung đột mới và nguy cơ có thể xảy ra một cuộc nội chiến mới.
Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Hama, Syria. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi, ngày 11/12, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen nhấn mạnh chính phủ chuyển tiếp của Syria cần phải thúc đẩy một tiến trình chuyển đổi chính trị bao trùm hơn, với sự tham gia của các đảng phái và cộng đồng khác nhau, nhằm tránh làn sóng xung đột mới.

Phát biểu trước báo giới, ông Pedersen nhấn mạnh lo ngại quá trình chuyển đổi sẽ tạo ra những mâu thuẫn mới theo cách có thể dẫn đến xung đột mới và nguy cơ có thể xảy ra một cuộc nội chiến mới.

Đặc phái viên Pedersen đánh giá việc chỉ định ông Mohammad Al-Bashir làm Thủ tướng chính phủ chuyển tiếp của Syria đã tạo ra một số phản ứng trái chiều trong dư luận nước này.

Ông cho rằng điều hết sức quan trọng là chính quyền mới ở Damascus phải làm rõ những gì họ muốn đạt được trong vòng 3 tháng tính từ thời điểm này.

Nhắc lại tuyên bố của tân Thủ tướng Mohammad Al-Bashir về việc sẽ đảm bảo quyền của tất cả mọi người và tất cả các giáo phái ở Syria, quan chức Liên hợp quốc Pedersen nhận định đây là một động thái nhằm xoa dịu những lo ngại về chính sách của chính phủ chuyển tiếp đối với các nhóm thiểu số, đồng thời cho thấy họ hiểu rõ việc "cần chuẩn bị cho một quá trình bao trùm hơn," với sự tham gia của các đảng phái, thành phần xã hội và các phe phái vũ trang khác nhau cũng như nữ giới.

Đặc phái viên Liên hợp quốc cũng cảnh báo nếu không có một tiến trình chuyển đổi chính trị bao trùm, sẽ không chỉ dẫn đến xung đột mới, thậm chí là nội chiến, mà còn tạo ra những phản ứng tiêu cực từ các quốc gia láng giềng.

Ông Pedersen nhấn mạnh điều quan trọng là không có tác nhân quốc tế nào làm bất cứ điều gì có thể làm “trật bánh” quá trình chuyển tiếp rất phức tạp ở Syria.

Quan chức Liên hợp quốc Pedersen cũng nhắc lại việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã rời khỏi đất nước vào ngày 8/12 sau khi nhóm chiến binh Hồi giáo Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) và các đồng minh thực hiện hành động quân sự chớp nhoáng và chiếm giữ thủ đô Damascus.

Sau những biến động lớn này, Israel đã điều quân vào một vùng đệm ở phía Đông Cao nguyên Golan, trong một động thái mà Liên hợp quốc cho là vi phạm thỏa thuận đình chiến năm 1974. Ông Pedersen cho rằng "đây rõ ràng là hành vi vi phạm thỏa thuận năm 1974, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Syria."

Cùng ngày, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết Israel đã tiến hành các cuộc không kích vào các địa điểm thuộc về quân đội Syria, bao gồm cảng Latakia và các nhà kho ở tỉnh Tartus lân cận.

SOHR cũng lưu ý các máy bay chiến đấu của Israel tiếp tục phá hủy những gì còn lại trong kho vũ khí quân sự của Syria, trong ngày thứ 4 liên tiếp kể từ khi chế độ của Tổng thống al-Assad sụp đổ.

Trước đó, ngày 10/12, quân đội Israel xác nhận đã tiến hành khoảng 480 cuộc không kích trong vòng 48 giờ vào các mục tiêu quân sự chiến lược ở Syria. Các mục tiêu bao gồm 15 tàu hải quân, các khẩu đội phòng không và các địa điểm sản xuất vũ khí tại một số thành phố ở Syria./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục