Ngày 20/11, đặc phái viên Liên hợp quốc tại Trung Đông Nickolay Mladenov cảnh báo rằng xung đột có thể một lần nữa sẽ lại nhấn chìm Dải Gaza nếu thỏa thuận bàn giao quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này giữa Chính quyền Palestine và phong trào Hồi giáo Hamas thất bại.
Phát biểu trước thềm cuộc họp giữa các phe phái của Palestine tại thủ đô Cairo của Ai Cập, ông Mladenov cho rằng tiến trình đối thoại do Ai Cập bảo trợ này không được phép thất bại, đồng thời cảnh báo nếu tiến trình đàm phán đổ vỡ sẽ dẫn đến một cuộc xung đột thảm khốc khác ở Gaza. Quan chức này cũng nhấn mạnh rằng cho dù xung đột bùng phát do trật tự luật pháp bị đổ vỡ ở Gaza, hoặc hành động liều lĩnh của các phần tử cực đoan hay bất cứ một lựa chọn chiến lược nào khác thì hậu quả có nó là như nhau và người dân sẽ chịu hậu quả lớn nhất.
Đặc phái viên Mladenov cũng bày tỏ lo ngại về căng thẳng giữa chính quyền Mỹ và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) liên quan đến Văn phòng PLO tại Washington. Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây quyết định từ chối gia hạn giấy phép hoạt động của Văn phòng PLO ở Washington. Đáp lại, giới lãnh đạo PLO cảnh báo "đóng băng" quan hệ với chính quyền Mỹ. Quan chức Liên hợp quốc kêu gọi các bên giải bất đồng thông qua đối thoại.
[Palestine cảnh báo có thể sẽ đóng băng quan hệ với Mỹ]
Lãnh đạo 13 phe phái của Palestine, trong đó có phong trào Hồi giáo Hamas kiếm soát Dải Gaza và đảng Fatah hoạt động tại Bờ Tây sẽ có cuộc gặp quan trọng vào ngày 21/11 tại thủ đô Cairo của Ai Cập để thảo luận các phương thức thúc đẩy thỏa thuận hòa giải cũng như một loạt vấn đề lớn khác.
Theo thỏa thuận hòa giải được ký hồi tháng 10 vừa qua dưới sự bảo trợ của Ai Cập, Chính quyền Palestine sẽ kiểm soát hoàn toàn Dải Daza từ ngày 1/12 tới. Trước đó hôm 18/11, cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Gaza đã được mở trở lại lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, theo đó việc đi lại hai chiều được tự do trong ba ngày. Khoảng 2 triệu người Palestine tại Gaza hy vọng rằng việc Chính quyền Palestine kiểm soát vùng lãnh thổ này sẽ giúp cải thiện cuộc sống của họ.
Tuy nhiên, phía Israel đã phản ứng một cách lạnh nhạt đối với thỏa thuận hòa giải giữa Hamas và Fatah, đồng thời tuyên bố rằng Tel Aviv sẽ không đàm phán với một chính phủ mà trong đó Hamas là một thành phần, nếu phong trào Hồi giáo này không giải giáp vũ khí.
Hamas, phong trào kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007, và Israel đã từng đối đầu nhau trong ba cuộc chiến tranh kể từ năm 2008, với cuộc xung đột vũ trang mới nhất nổ ra năm 2014./.